Quốc hội sẽ dành 6 ngày xem xét, quyết định công tác nhân sự cấp cao của Nhà nước
- Vì sao bà Nguyệt Hường không được xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội
- Không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường
- Hủy tư cách đại biểu Quốc hội của ông Trịnh Xuân Thanh3
- Đề xuất Quốc hội khoá XIV giám sát việc “ồ ạt bổ nhiệm”
Tại buổi họp báo công bố dự kiến chương trình và nội dung kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV diễn ra vào chiều 19-7 tại Hà Nội, Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Minh Thông cho biết: Quốc hội sẽ dành khoảng 6 ngày làm việc (chiều 20-7 đến sáng 28-7) để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước.
Quốc hội sẽ nghe Hội đồng Bầu cử Quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và kết quả xác nhận tư cách ĐBQH được bầu.
Tiếp đó, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao; quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; đồng thời phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Quốc hội sẽ dành khoảng 2 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước: Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2016; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2016; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014; Xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề; Nghị quyết về một số vấn đề quan trọng (nếu có); Báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV.
Dù cơ bản giữ nguyên như ở Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII nhưng lễ tuyên thệ ở Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV sẽ có sự đổi mới. Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, để đảm bảo tính trang nghiêm của lễ tuyên thệ, khi các chức danh bước lên bậc tuyên thệ thì Quốc hội trân trọng mời các ĐBQH đứng lên, trang nghiêm như lúc chào cờ và không quay phim, chụp ảnh. Đoàn Chủ tịch cũng bước xuống phía dưới đứng nghiêm trang như các đại biểu và sau lễ tuyên thệ thì không tặng hoa…
Trao đổi tại buổi họp báo, liên quan đến sai phạm về xả thải của Formosa, gây ra sự cố cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Chính phủ đã có họp báo cụ thể và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đối tượng gây ra sự cố rõ rồi, đối tượng cũng đã nhận trách nhiệm sẽ đền bù.
“Tuy nhiên đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ có báo cáo về vấn đề liên quan đến Formosa. Chính phủ đã có sự chuẩn bị và sẽ báo cáo trước Quốc hội về vấn đề này”, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định.
Đề cập đến việc có 2 trường hợp trúng cử ĐBQH nhưng không được Hội đồng Bầu cử Quốc gia xác nhận tư cách ĐBQH là ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường; Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, tới đây khi sửa Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cần có những chế tài chặt chẽ hơn nữa trong việc xử lý sai phạm khi giới thiệu, thẩm tra tư cách đại biểu qua các vòng hiệp thương, để nâng cao chất lượng đại biểu.
“Đây là sự việc đáng tiếc, nhưng qua đó cũng rút ra những bài học mà Quốc hội sẽ tiếp thu và chỉnh sửa cho phù hợp”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh. Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, Thường vụ Quốc hội nhận trách nhiệm trong việc lùi thời gian thi hành Bộ luật Hình sự vì có sai sót; đồng thời sẽ xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo trách nhiệm của các đơn vị liên quan một cách công minh, không né tránh…