Quốc hội sẽ có quan điểm về vụ án Hồ Duy Hải

Thứ Sáu, 19/06/2020, 18:49

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định khi chủ trì Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, chiều tối 19-6.

Phóng viên báo chí đã đặt câu hỏi về việc, trong buổi họp báo khai mạc kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Quốc hội đã giao các cơ quan chuyên môn xem xét các kiến nghị giải quyết vụ án Hồ Duy Hải. Vừa rồi Ủy ban Tư pháp (UBTP) đã họp, lấy ý kiến các thành viên về vấn đề này. Đề nghị Tổng Thư ký cho biết, quan điểm và các kiến nghị cụ thể mà UBTP kiến nghị về vụ án này họp là như thế nào? Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có họp để xem xét, giải quyết các kiến nghị này hay không?

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, vụ án này rất phức tạp, trải qua 12 năm. Vừa qua Hội đồng Thẩm phán tối cao xem xét theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì có rất nhiều ý kiến dư luận, báo chí. UBTVQH đã giao UBTP xem xét, có báo cáo. "Đây là thực hiện theo Điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự. Vừa qua Quốc hội đã giao UBTP ngày 16-6, đến nay UBTP chưa có báo cáo. Sau khi UBTP báo cáo lên, Quốc hội sẽ nghe và có quan điểm. Chúng tôi sẽ thông tin với phóng viên báo chí khi có kết quả cụ thể", ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời tại họp báo.

Có phóng viên băn khoăn, trong Kỳ họp thứ 9 nội dung chất vấn không được thực hiện vì Quốc hội muốn dành thời gian cho các thành viên Chính phủ xử lý công việc liên quan đến dịch bệnh COVID-19. "Vậy các văn bản chất vấn của ĐBQH đến nay đã được gửi đến các thành viên Chính phủ hay chưa? Các văn bản đó có tuyên truyền công khai hay không?", nữ phóng viên đặt câu hỏi.

Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, sau đại dịch công việc đang ngổn ngang nên Quốc hội chuyển sang hình thức gửi chất vấn bằng văn bản. Đây cũng là một hình thức được quy định trong Luật Hoạt động giám sát. Sau khi có văn bản chất vấn, các Bộ trưởng sẽ nghiên cứu trả lời. "Tất nhiên luật quy định sau 20 ngày Bộ trưởng mới có trách nhiệm trả lời. Hiện đã có 42 văn bản các ĐBQH gửi chất vấn các Bộ trưởng, các Bộ trưởng cũng đang chuẩn bị trả lời. Các nội dung liên quan đến câu hỏi hay câu trả lời chất vấn thì đều sẽ được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội", Tổng Thư ký Quốc hội thông tin.

Đánh giá về kết quả lớn nhất mà Kỳ họp thứ 9 đạt được, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhận định, đây là lần đầu tiên sau hơn 70 năm Quốc hội tổ chức họp trực tuyến. "Khi chúng tôi tham mưu việc họp trực tuyến này thì trên thế giới cũng mới chỉ có 4 nước đang chuẩn bị họp trực tuyến. Vấn đề rất mới, song kết quả rất tốt, mở ra cơ hội để chúng ta nghiên cứu, đổi mới hoạt động của Quốc hội. Thêm vào đó, giữa hai đợt chúng ta có 1 tuần dành cho các Ủy ban nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chuẩn bị cho kỳ sau. Đây là kinh nghiệm rất hay, vừa qua qua thăm dò có 98,8% ĐBQH nhất trí với việc tổ chức kỳ họp rất tốt, phù hợp", ông dẫn chứng.

 Mặc dù họp trực tuyến nhưng việc phát biểu, đăng ký phát biểu đều thực hiện bằng các phần mềm thân thiện, thuận tiện, gần gũi... Ngày nào họp đều có 20-30 đại biểu đăng ký phát biểu. Tiếp nữa là kỳ họp đã thông qua 10 dự án luật, cho ý kiến 6 dự án luật và ban hành 21 Nghị quyết. "Kỷ lục, chưa kỳ họp nào ban hành nhiều Nghị quyết như vậy. Khối lượng công việc nhiều mà thời gian ngắn, chứng tỏ chất lượng rất tốt", Tổng Thư ký Quốc hội nói và cho biết, qua thăm dò có tới 2/3 ĐBQH nhất trí phương án họp trực tuyến. Văn phòng Quốc hội sẽ nghiên cứu phương thức họp này tại Kỳ họp thứ 10...

Quỳnh Vinh
.
.
.