Nghị trường Quốc hội "nóng" vấn đề biên chế giáo viên

Thứ Năm, 07/11/2019, 17:41
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết ngành y tế và giáo dục chiếm tới 80% đội ngũ biên chế, song vẫn chưa đáp ứng được chủ trương "người học phải có giáo viên đứng lớp".

Y tế, giáo dục chiếm 80% biên chế sự nghiệp nhưng vấn thiếu

Tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chiều 7-11, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về biên chế giáo viên. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải đoàn Tiền Giang nêu vấn đề, tiến bộ chung là một giáo viên dạy ít học sinh, một nhân viên y tế phải chăm sóc ít người bệnh, vậy chủ trương tinh giản biên chế ảnh hưởng thế nào đến y tế, giáo dục.

Ông Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, ngành giáo dục và y tế chiếm 80% tổng biên chế sự nghiệp. Tuy nhiên, bấy nhiêu vẫn là chưa đủ để thực hiện chủ trương "người học phải có giáo viên đứng lớp, người bệnh phải có nhân viên y tế chăm sóc" tại nhiều địa phương. Thống kê bước đầu còn đang thiếu 87.000 giáo viên các cấp, ngành y tế thiếu hơn 12.000 người.

"Bộ Nội vụ đã có báo cáo và xin chủ trương của Thủ tướng, giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục-Đào tạo xác minh cụ thể từng địa phương và sẽ có đề xuất Chính phủ và Bộ Chính trị để tiếp tục bổ sung biên chế", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.

Theo ông Tân, trong quá trình rà soát, nhiều địa phương không cần phải bổ sung biên chế, ví dụ như Yên Bái không cần đăng ký bổ sung thêm giáo viên nào mà chỉ cân đối giữa các huyện, xã. Trên cơ sở đó, ông Tân cho rằng các địa phương cần phải sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp.

"Bố trí một đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiều dịch vụ công, một trường có nhiều cấp học giảm tỷ lệ cán bộ gián tiếp quản lý, tăng số cán bộ trực tiếp giảng dạy, nghiệp vụ lên. Riêng các ngành y tế, GD-ĐT xây dựng lại định mức, sắp xếp cơ cấu phân công, xây dựng lộ trình để tự chủ trong lĩnh vực của mình, giảm khối đơn vị sự nghiệp công lập", ông Tân nói về hướng đi giảm biên  chế nhưng không ảnh hưởng đến ngành giáo dục.

Liên quan đến việc sắp xếp giáo viên phù hợp với đặc điểm của từng vùng, miền, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết đã làm việc với Bộ GD-ĐT và kiến nghị Chính phủ cho thành lập Nghị quyết riêng về biên chế giáo viên.

"Năm 2017 chúng tôi khảo sát thì thấy tỷ lệ giáo viên miền núi chỉ đạt 0,7%, trong khi giáo viên ở thành phố thì 1,5%. Do đang thừa thiếu cục bộ, chúng tôi xin phép Quốc hội sẽ trình nghị quyết riêng về biên chế của giáo viên để cân đối trong thời gian tới", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.

Trước đó, ông Tân nói rằng, bước đầu chúng ta giải quyết được 19 tỉnh, đặc cách cho hơn 20.300 giáo viên mầm non có hợp đồng ký trước 31-12-2015 vào biên chế. Trong tháng 8, Bộ Nội vụ đã phân cho các tỉnh này để giải quyết vấn đề.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý.

Giơ biển tranh luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, đoàn Đà Nẵng cầm trên tay một bức tâm thư kêu cứu của giáo viên có ký hợp đồng giảng dạy, ký suốt 14 năm qua nay bị chấm dứt hợp đồng. "Giờ đây các giáo viên nay đang khắc khoải chờ câu trả lời rõ hơn từ Bộ trưởng về văn bản chỉ đạo đang ở giai đoạn nào?", đại biểu Thúy hỏi.

Trả lời đại biểu, ông Tân nói rằng văn bản đã được gửi đến 63 tỉnh thành, giải quyết thực hiện tuyển vào viên chức cho giáo viên hợp đồng được cấp thẩm quyền cho phép trước 31-12-2015 có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo vị trí việc làm, không vi phạm trong thời gian giảng dạy.

"Biên chế năm 2015 còn, chúng ta chưa tuyển đủ, còn biên chế thì chúng ta tuyển đặc cách với các đối tượng này. Đối tượng này khác với tuyển theo Nghị định 161, không có chuyện cạnh tranh ở đây và là để gỡ rối cho các trường hợp vừa qua", ông Tân nói thêm.

Sáp nhập trường tiểu học và trung học, đâu là cơ sở?

Đại biểu Bùi Văn Phương đoàn Ninh Bình, đặt vấn đề, để thực hiện tinh giảm 10% đầu mối và giảm 10% biên chế ngành giáo dục, một số địa phương đã lập Đề án nhập trường tiểu học và trường trung học cơ sở vào làm một.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu chiều 7-11.

"Khi bước vào cải cách giáo dục, chúng ta đã nhập cấp một, cấp hai thành trường phổ thông cơ sở từ lớp 1 đến lớp 9. Sau 10 năm thực hiện thì thấy không có hiệu quả nên đã phải quay trở lại trường tiểu học, trường trung học cơ sở", đại biểu nêu và đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục-đào tạo (GDĐT) trả lời.

Trở lại hội trường sau giờ giải lao, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, về việc xây dựng trường phổ thông có nhiều cấp không phải mô hình mới. Để sáp nhập cần sự tính toán để đảm bảo chuyên môn, mặt khác đảm bảo điều kiện phù hợp với tâm sinh lý của học sinh.

"Cán bộ lãnh đạo có thể giảm, nhưng công tác quản lý vẫn phải bảo đảm. Vẫn phải bảo đảm các cơ sở vật chất cho học sinh như trường lớp, sân bãi tập cho học sinh các lứa tuổi", ông Nhạ nói.

Về thực tế triển khai thời gian qua, ông Nhạ khẳng định một số địa phương làm tốt, song có nơi cũng sắp xếp, sáp nhập trường học theo hướng cơ học. Bộ GDĐT đã làm việc với các địa phương để điều chỉnh làm sao cho phù hợp chứ không phải nhất quyết đặt mục tiêu tinh giản biên chế.

Theo Bộ trưởng Nhạ, cái cần giảm, muốn giảm là giảm cán bộ quản lý, cán bộ phục vụ không cần thiết. Về giáo viên đứng lớp thì phải đảm bảo, định biên biên chế giáo viên cần được xem xét phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền.

Thu Thuỷ- Thiện Nhân
.
.
.