Quan hệ với Trung Đông-châu Phi luôn được quan tâm đặc biệt
Từ ngày 9 đến 10-9, Bộ Ngoại giao Việt Nam lần đầu tiên tổ chức hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi năm 2019” tại trụ sở Bộ Ngoại giao số 2 đường Lê Quang Đạo, Hà Nội.
Tham dự sự kiện có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương; Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao thường trú và không thường trú, Lãnh sự danh dự của các quốc gia Trung Đông-châu Phi tại Việt Nam; đại diện một số đối tác phát triển, tổ chức quốc tế lớn cùng đông đảo doanh nghiệp Việt Nam và khu vực Trung Đông-châu Phi.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, từ khát vọng chung về độc lập, tự do từ những năm 50 của thế kỷ 20, mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi không ngừng được vun đắp bằng những tình cảm tốt đẹp và sự ủng hộ, giúp đỡ chân tình, quý báu dành cho nhau trong thời kỳ đấu tranh chính nghĩa giải phóng dân tộc.
Bước sang giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, Việt Nam cùng các nước Trung Đông-châu Phi tiếp tục cùng nhau vượt qua các thách thức chung, nỗ lực mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của mỗi nước, đồng thời bảo vệ những lợi ích chung của các quốc gia đang phát triển trong cộng đồng quốc tế.
Theo Phó Thủ tướng, đó là nền tảng và giá trị vững chắc đưa Việt Nam và nhiều nước trong khu vực Trung Đông-châu Phi trở thành những người bạn thủy chung, son sắt và những đối tác quan trọng của nhau.
Dựa trên nền tảng đó, quan hệ chính trị-ngoại giao không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu trong khi quan hệ thương mại phát triển tích cực.
Hợp tác viễn thông, lao động, giáo dục, y tế có nhiều bước tiến mới. Mô hình hợp tác của Việt Nam với một số nước châu Phi, nhất là về nông nghiệp, từng được coi là hình mẫu cho hợp tác Nam-Nam.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và các đại biểu dự Hội nghị. |
Trên bình diện đa phương, Việt Nam luôn đồng hành với các nước Trung Đông-châu Phi trong việc bảo vệ những giá trị cốt lõi vì hòa bình và phát triển, đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, như tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng gửi lời cảm ơn chân thành Chính phủ các nước đã ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, thể hiện sự tin tưởng của các nước Trung Đông-châu Phi đối với khả năng đóng góp của Việt Nam cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Tiềm năng hợp tác còn lớn và đa dạng
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng tiềm năng và nhu cầu hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông-châu Phi còn rất lớn và đa dạng, trong đó khu vực Trung Đông-châu Phi đang nỗ lực vượt qua những thách thức về an ninh-phát triển, kiên trì theo đuổi các biện pháp hòa bình trong giải quyết các bất đồng, xung đột, đề cao hợp tác và hội nhập, phát huy các lợi thế địa chiến lược, địa kinh tế để vươn lên.
Về phần mình, Việt Nam là thành viên của Cộng đồng ASEAN, nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển năng động, đang hướng tới tầm nhìn 2030 về xây dựng một xã hội thịnh vượng, nền kinh tế phát triển mạnh dựa trên tri thức, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng tin tưởng Việt Nam có khả năng đáp ứng các nhu cầu hợp tác ngày càng cao và đa dạng của các nước Trung Đông-châu Phi.
Đặc biệt, khi đảm nhận hai trọng trách Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam có thể là cầu nối để thúc đẩy các nội dung hợp tác cùng quan tâm trong khuôn khổ ASEAN, tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh khu vực và thế giới, trong đó có nhiều vấn đề tại khu vực Trung Đông-châu Phi.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm khu trưng bày các sản phẩm đặc sắc từ các địa phương và các nước trong khu vực Trung Đông-châu Phi. |
Tuy vậy, hợp tác giữa Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông-châu Phi còn gặp không ít thách thức, trở ngại như hai bên còn thiếu thông tin và sự hiểu biết sâu về thị trường, tập quán kinh doanh và hệ thống pháp luật của nhau.
Khoảng cách về địa lý cũng là một trong những khó khăn chính dẫn đến hiệu quả kinh doanh chưa cao và sự quan tâm chưa đúng mức của các bộ, ngành doanh nghiệp hai bên.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị Hội nghị tập trung trao đổi các biện pháp phát huy quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời tìm hướng mới, thực chất, hiệu quả để biến sự tin cậy chính trị, quan hệ hữu nghị truyền thống thành những kết quả hợp tác cụ thể.
Phó Thủ tướng đề nghị hai bên cần chú trọng hợp tác kinh tế, xác định kinh tế là đòn bẩy cho quan hệ chính trị; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác, trong đó có cơ chế phối hợp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, tận dụng các cơ hội, tạo thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác.
Cùng với kênh song phương, tăng cường phối hợp trên các diễn đàn đa phương như LHQ, Không liên kết, cần thúc đẩy kết nối giữa Việt Nam với Liên minh châu Phi, giữa các nước Trung Đông-châu Phi và các tổ chức ở khu vực với ASEAN.