Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm và làm việc tại Tổng cục Quản lý thị trường

Thứ Năm, 14/02/2019, 18:59
Chiều 14-2, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) đến thăm và làm việc tại Tổng cục Quản lý thị trường.


Xử lý 92.000 vụ vi phạm, nộp ngân sách 490 tỷ đồng

Phát biểu tại cuộc làm việc, nhân dịp đầu Xuân mới Kỷ Hợi 2019, thay mặt lãnh đạo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình gửi lời chúc toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Tổng cục Quản lý thị trường một năm mới có nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận và biểu dương kết quả đạt được của cán bộ, công chức, vỉên chức và người lao động của Tổng cục Quản lý thị trường trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Trong năm 2018, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng; kiểm tra trên 155.000 vụ và đã phát hiện, xử lý gần 92.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 490 tỷ đồng...

Một số lĩnh vực, mặt hàng được tích cực đôn đốc, chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm gồm thuốc lá ngoại nhập lậu, gia cầm, an toàn thực phẩm, phân bón, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng; sản xuất, kinh doanh hàng gỉả, kém chất lượng; bán hàng đa cấp...

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác tuyên truyền, hợp tác quốc tế và công tác phối hợp tiếp tục được Tổng cục Quản lý thị trường quan tâm, triển khai thực hiện và đạt kết quả tốt.

Thực hiện Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường, bước đầu đã hình thành bộ máy Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương. Hiện Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng Đề án thành lập 19 Cục Quản lý thị trường liên tỉnh.

Bảo vệ người tiêu dùng và sản xuất trong nước

Bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, theo Phó Thủ tướng Thường trực, công tác quản lý thị trường còn một số khó khăn, bất cập và tồn tại cần sớm được khắc phục.

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với việc đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, cơ hội, thuận lợi của đất nước nhiều mặt tăng lên nhưng khó khăn, thách thức cũng rất lớn. Dự báo trong năm 2019, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp.

“Đặc biệt, khi chúng ta gia nhập các hiệp định thương mại, những vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra càng cấp thiết hơn đối với nền kinh tế chia sẻ hiện nay. Đó là, làm sao để vừa bảo vệ được nền sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, vừa chống buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, chống lừa đảo qua bán hàng đa cấp…”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Để xử lý hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết, lực lượng quản lý thị trường tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường quán triệt đến toàn thể lực lượng quản lý thị trường phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, gắn với việc đánh giá hoàn thành nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn hàng năm.

Đồng thời, lực lượng chức năng tiếp tục làm tốt công tác dự báo, nắm chắc tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ, nắm vững các diễn biến, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đường dây, nhóm buôn lậu, gian lận thương mại.

Phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách
Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng chức năng tiếp tục rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách để kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tổng cục Quản lý thị trường cần khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự, biên chế để nhanh chóng ổn định tổ chức và hoạt động của lực lượng quản lý thị trường.

"Chú ý bố trí sắp xếp nhân sự đúng người, đúng việc, bổ nhiệm những cán bộ giỏi, có năng lực, phẩm chất, có kinh nghiệm cho các vị trí lãnh đạo tại Tổng cục Quản lý thị trường; phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ của ngành và nhiệm vụ chính trị của địa phương", Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Tổng cục Quản lý thị trường quán triệt, thực hiện nghiêm các chủ trương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cản bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp để nâng cao khả năng tự đề kháng gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong cán bộ, đảng viên ngành quản lý thị trường.

"Ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng 'tham nhũng vặt', không để người dân, doanh nghiệp bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức quản lý thị trường. Đồng thời, ngăn chặn những biểu hiện vi phạm về biện pháp công tác, lạm quyền trong khi thực thi công vụ gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, uy tín thương hiệu của doanh nghiệp; dư luận về một số biểu hiện hống hách, cửa quyền, tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ", Phó Thủ tướng Thường trực giao nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, ngành quản lý thị trường chủ động xây dựng Quy chế phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng: Công an, hải quan, thuế, bộ đội biên phòng, thanh tra chuyên ngành từ Trung ương đến các địa phương trong đấu tranh phòng, chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm.

Lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả cao.

Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh; tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm.

Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường sớm hoàn thiện Đề án thành lập 19 Cục Quản lý thị trường liên tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo chinhphu
.
.
.