Chủ động phòng ngừa không để xảy ra mất an ninh, an toàn hàng không
- Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tặng quà Tết tại Quảng Nam
- Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao quyết định TP Vị Thanh đạt đô thị loại II
- Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo khẩn trương điều tra, xử lý vụ trọng án
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải thì năm 2019, công tác đảm bảo an toàn hàng không của ngành hàng không Việt Nam cơ bản được đảm bảo tốt, tiếp tục duy trì 23 năm liên tục không xảy ra tai nạn tàu bay có thiệt hại về người, đảm bảo hoạt động bay của toàn ngành được duy trì mức độ an toàn bền vững. Tuy nhiên, các sự cố/vụ việc liên quan đến việc các phương tiện bay không người lái xâm nhập khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp đến công tác khai thác và đảm bảo an toàn bay.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của công an, quân đội đóng tại địa bàn cảng hàng không, sân bay, thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra, giám sát khu vực vành đai sân bay và khu vực công cộng nhà ga, bến bãi; kịp thời xử lý tình trạng gây mất trật tự công cộng, tấn công nhân viên hàng không, điều tra, xử lý vụ việc xâm nhập hệ thống bán vé, đặt chỗ của Vietnam Airlines để lấy thông tin hành khách cung cấp cho dịch vụ taxi tại sân bay.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn, trên Biển Đông, các hoạt động của tàu bay lạ/mục tiêu lạ, các tàu bay không có kiểm soát có chiều hướng gia tăng trên khu vực các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam đã gây không ít khó khăn cho các hãng hàng không, đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý vùng trời, đảm bảo an ninh quốc phòng và cung cấp dịch vụ của các cơ sở thực hiện bảo đảm hoạt động bay.
Tại Hội nghị, một trong những vấn đề các đại biểu quan tâm nhất đó là việc quản lý máy bay không người lái, siêu nhẹ và fly cam. Đây là những thiết bị gây mất an ninh, an toàn hàng không nhưng chưa được quản lý hiệu quả, việc buôn bán, kinh doanh các mặt hàng này không bị cấm nên chỉ xử lý được hành vi nhập khẩu, kinh doanh không có giấy phép; đề nghị cần sớm có quy định pháp luật để quản lý các thiết bị trên, xử lý người sử dụng trái phép.
Một số ý kiến cũng nêu tái diễn tình trạng một số đối tượng nước ngoài trà trộn trộm cắp trên máy bay, mặc dù đã xử lý, cấm bay đối với nhiều trường hợp nhưng chưa đủ răn đe; một số hãng hàng không cũng giải trình, báo cáo việc lộ lọt thông tin hành khách đi máy bay dẫn đến việc các công ty vận tải gọi điện, làm phiền hành khách...
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình biểu dương các cơ quan, đơn vị thành viên của Ủy ban An ninh hàng không và UBND các địa phương có cảng hàng không, sân bay vì đã nỗ lực phối hợp đạt hiệu quả cao trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng, giữ vững uy tín của ngành hàng không nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ ra một số vụ việc uy hiếp an ninh hàng không; đánh giá nguyên nhân của các vụ việc này xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật về an ninh, an toàn hàng không của người tham gia giao thông hàng không chưa cao, lỗ hổng về pháp lý, việc thiếu sự tuân thủ quy trình xử lý, năng lực chuyên môn và tính chủ động của đội ngũ nhân viên hàng không. Các sự cố an toàn do yếu tố con người vẫn xảy ra, trong đó, các sự cố nghiêm trọng và sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao đều do nguyên nhân là yếu tố con người.
Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ Giao thông Vận tải, Công an, Quốc phòng, căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình, cần nghiêm túc thực hiện công tác đánh giá nguy cơ rủi ro uy hiếp an ninh, an toàn hàng không theo quy định của pháp luật; tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp, trao đổi, xử lý thông tin liên quan để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và ứng phó kịp thời các tình huống khẩn nguy có thể xảy ra.
Nhấn mạnh đến việc xây dựng quy trình và tổ chức diễn tập ứng phó sự cố an ninh mạng; phòng, chống hành vi can thiệp bất hợp pháp vào mạng thông tin chuyên ngành hàng không, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nêu rõ, đối với hai Đề án thành lập đồn Công an tại các cảng hàng không sân bay trọng điểm và xây dựng lực lượng An ninh trên không, yêu cầu Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm đảm bảo tốt tình hình an ninh, an toàn hàng không dân dụng
Phó Thủ tướng Thường trực cũng giao trách nhiệm cho UBND các địa phương có cảng hàng không, các bộ, ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về sử dụng, quản lý hoạt động của các phương tiện bay không người lái có khả năng uy hiếp an ninh, an toàn hàng không dân dụng.
Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam rà soát, nghiên cứu, bảo đảm xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hành khách bị từ chối nhập cảnh; phối hợp Cục Hàng không Việt Nam cần có biện pháp giải quyết những trường hợp bị từ chối nhập cảnh trong thời gian sớm nhất, phù hợp các quy định pháp luật Việt Nam và yêu cần của ICAO về quy trình vận chuyển hành khách trên toàn cầu, đồng thời đảm bảo quyền nhân thân của hành khách cũng như các yêu cầu an ninh, chính trị của Việt Nam. Bộ Công an cần chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp các đơn vị liên quan của ngành hàng không xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh hiệu quả với tình trạng trộm cắp tài sản, hành lý của hành khách đi tàu bay, đặc biệt từ số đối tượng người nước ngoài...
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang: Đảm bảo an ninh, an toàn hàng không trong mọi tình huống Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lương Tam Quang cho biết, để đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, Bộ Công an với chức năng, nhiệm vụ của mình đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp hàng không triển khai nhiều biện pháp công tác.
Cụ thể, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và công an các đơn vị, địa phương đã thường xuyên trao đổi thông tin, kỹ năng phòng chống âm mưu, thủ đoạn của các nhóm tin tặc, tội phạm công nghệ cao ma tuý, buôn lậu, gian lận thương mại...; đã điều tra, xác minh nhiều vụ án, vụ việc liên quan đến ANTT và an toàn hàng không; hướng dẫn, cảnh báo an toàn về PCCC đối với với các cảng hàng không, cơ quan, đơn vị. Đưa một số công trình của cảng hàng không vào danh mục công trình trọng điểm về ANQG và triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo về ANTT, an toàn theo đúng quy định. Đã tham gia tích cực vào sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về quản lý tàu bay không người lái và siêu nhẹ. Đã phối hợp tuyên truyền ngăn ngừa nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không. Thứ trưởng Lương Tam Quang cũng nêu một số tình hình đáng chú ý liên quan đến an ninh ANTT, an toàn hàng không như: nguy cơ phá hoại của các đối tượng xấu; sự tấn công mạng và các hệ thống thông tin của ngành hàng không; đối tượng sử dụng giấy tờ giả để qua đường hàng không, tội phạm ma tuý, kinh tế...Thứ trưởng Lương Tam Quang cho biết, hiện nay Bộ Công an đang xây dựng Đề án tổ chức lực lượng an ninh trên không và Đề án công tác công an đảm bảo an ninh, an toàn hàng không. Hai đề án này đã đề ra những giải pháp rất cụ để bảo đảm tối đa ANTT, an toàn hàng không trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Thứ trưởng Lương Tam Quang kiến nghị Uỷ Ban an ninh hàng không dân dụng quốc gia chỉ đạo các đơn vị chức năng nâng cấp hệ thống trang thiết bị kiểm tra an ninh, an toàn; nâng cấp hệ thống thông tin mạng đủ năng lực đáp ứng yêu cầu ngăn chặn vô hiệu hoá sự tấn công của các đối tượng; hoàn thiện quy trình tuyển dụng, quản lý người nước ngoài làm việc trong ngành hàng không; tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý bảo đảm bảo an ninh, an toàn hàng không; rà soát, xây dựng các phương án đảm bảo an ninh, an toàn hàng không sát với thực tiễn theo từng địa phương; phối hợp với Bộ Công an trong kiểm tra các thiết bị an ninh, an toàn hàng không... “Bộ Công an tiếp tục nắm tình hình, nhất là các âm mưu, phương thức, thủ đoạn gây mất ANTT hoạt động hàng không dân dụng. Chúng tôi sẽ chủ động trao đổi với các cơ quan liên quan, chủ động rà soát, điều chỉnh các phương án, sẵn sàng ứng phó khi có sự việc phức tạp về ANTT, đảm bảo hoạt động hàng không kịp thời an toàn, thông suốt. Tăng cường đảm bảo an ninh chính trị nội bộ, bảo đảm an toàn hệ thống thông tin, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ tại các hoạt động xuất nhập cảnh. Mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo an ninh, an toàn hàng không trong mọi tình huống” – Thứ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh. |