Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tiếp xúc cử tri Long An

Thứ Bảy, 06/03/2021, 22:26
Ngày 6/3, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV và tổng kết hoạt động của Đoàn trong nhiệm kỳ khóa XIV (2016-2021).


Tại buổi tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Long An, bà Phan Thị Mỹ Dung cho biết kỳ họp thứ 11 tới, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; của Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSNR Tối cao và Kiểm toán Nhà nước; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi kỳ họp thứ 11; nghe Hội đồng Bầu cử Quốc gia báo cáo kết quả hoạt động từ khi thành lập đến tháng 3/2021.

Quang cảnh cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2021-2026.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ dành hơn 5 ngày làm việc để xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền.

Thông tin về hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Long An khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021, bà Dung cho biết Đoàn không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; các ĐBQH tỉnh Long An luôn phấn đấu hoàn thành trọng trách của người đại biểu dân cử, đáp ứng ngày càng tốt hơn niềm tin yêu và sự kỳ vọng của cử tri trong tỉnh.

Trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH Long An tổ chức lấy ý kiến đóng góp 83 dự án luật và 1 nghị quyết để trình Quốc hội thông qua; cho ý kiến tại các kỳ họp; chủ động mời các chuyên gia, các nhà quản lý và các cơ quan liên quan, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể cùng tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án luật. Tuyên truyền đến cử tri và nhân dân các chủ trương, chính sách pháp luật được Quốc hội thông qua tại các kỳ họp.

Với chức năng giám sát, Đoàn đã tổ chức thực hiện 15 chuyên đề, gửi 141 kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương và địa phương, góp phần vào kết quả chung trong thực hiện chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội.

Đoàn cũng đã tổ chức 308 cuộc tiếp xúc với gần 35.000 cử tri tham dự. Qua các cuộc tiếp xúc, đã có trên 2.500 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tổ chức 6 hội nghị lấy ý kiến của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan để đóng góp nội dung kỳ họp và đề xuất, kiến nghị những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương.

Tiếp nhận và xử lý theo quy định 1.238 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân qua đó ngành chức năng đã xem xét giải quyết nhiều trường hợp khiếu nại bức xúc, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cũng như góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội tại địa phương.

Cũng tại buổi tiếp xúc, nhiều ý kiến cử tri kiến nghị Quốc hội, các cơ quan Trung ương sớm ban hành nghị định, thông tư quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; ban hành sửa đổi các quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở,… để thống nhất các quy định, làm cơ sở trong việc tiếp nhận dự án đầu tư; có văn bản hướng dẫn chi tiết cơ quan có thẩm quyền, trình tự thủ tục, nội dung và điều kiện thẩm định trong việc tiếp nhận ngành nghề kinh doanh mà Việt Nam không có cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Long An. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị đưa nội dung đầu tư di tích lịch sử - văn hóa vào danh mục được hưởng chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa; điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc chương trình cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2018-2020; kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định những người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng chế độ ốm đau, chế độ thai sản, chế dộ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bổ sung quy định bằng nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên các nghề đào tạo có chuyên ngành phù hợp với chức danh cán bộ, công chức cấp xã đang đảm nhiệm thì được sử dụng để tuyển dụng và xếp lương như đối với bằng chuyên môn…

B.S (theo baochinhphu.vn)
.
.
.