Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu báo cáo về công trình “sai lầm thế kỷ”

Thứ Bảy, 02/04/2016, 15:56
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về dự án thủy điện An Khê – Kanak sau khi đại biểu Quốc hội cho rằng công trình này đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến hàng triệu người dân ở Phú Yên và Gia Lai.

Văn bản cho biết, trong cuộc họp làm việc với các tỉnh khu vực Tây Nguyên về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán tại tỉnh Gia Lai vừa qua và trong buổi thảo luận của Đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch cho giai đoạn tới, có một số ý kiến phát biểu liên quan đến việc xây dựng, vận hành Hồ chứa thủy điện này còn bất cập, gây thiếu nước ảnh hưởng đến đời sông nhân dân vùng Hạ lưu sông Ba (khu vực tỉnh Gia Lai).

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có báo cáo về tình hình xây dựng, vận hành Hồ chứa này trong thời gian vừa qua; đề xuất giải pháp để bảo đảm nguồn nước phục vụ cuộc sống nhân dân vùng hạ lưu Sông Ba (thuộc tinh Gia Lai và Phú Yên), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 15-4 tới.

Trước đó, chiều 1-4, phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) đã phát biểu trước Quốc hội, cho rằng thủy điện An Khê – Kanak là “sai lầm thế kỷ”. Đại biểu cho rằng “trên thế giới không có một đất nước nào người ta chặn hẳn một dòng sông lớn mà chuyển qua dòng sông khác. Nếu có chặn thì người ta chặn suối. Chỉ có Việt Nam mình liều lĩnh chặn một dòng sông lớn như vậy. Hậu quả như thế nào? Hậu quả là từ khi An Khê - Kanak hoàn thành không có năm nào mà không có dân khiếu kiện, không có hạn hán, không có lũ lụt gây thiệt hại đối với dân. Việc này không những ở Gia Lai mà cả Phú Yên nữa, hàng triệu người bị ảnh hưởng”.

Để “khắc phục sai lầm” về đầu tư công trình thủy điện An Khê - Ka Nak, đại biểu Huỳnh Thành kiến nghị “phải trả lại nước cho dòng sông bằng ít nhất 20% lưu lượng trung bình trước khi xây dựng đập. Ví dụ, trước đây là 100 m3/s thì bây giờ ít nhất phải 20 m3/s. Cần thiết ngưng một tổ máy phát điện cũng được, phải ưu tiên đời sống của dân trước”.

Kiến nghị xa hơn về các giải pháp, đại biểu Huỳnh Thành đề nghị ứng phó với tình hình hạn hán, lũ lụt và xâm nhập mặn bằng cách bảo vệ và phát triển diện tích rừng hiện có, đặc biệt là rừng phòng hộ.

“Rừng phòng hộ ở nước ta có nhiều dòng sông phát sinh từ trong nước, không phải từ nước ngoài chảy vào, chúng ta phải xác định phải bảo vệ cho bằng được sinh thủy của những cánh rừng nơi bắt nguồn dòng sông đó” – đại biểu nhấn mạnh. Thứ hai là quản lý chặt chẽ việc khai thác nước ngầm do hiện nay chúng ta “khai thác vô tội vạ, không ai quản lý”. Thứ ba là nên tiếp tục đầu tư phát triển nhiều công trình thủy lợi và nên hợp tác với Hà Lan theo mô hình của TP Hồ Chí Minh để chống xâm ngập mặn, vì đây là nước có rất nhiều kinh nghiệm về vấn đề này.

Vũ Hân
.
.
.