Không phải tiền kiểm là tạo điều kiện “ngâm” hồ sơ, nhũng nhiễu

Thứ Sáu, 16/11/2018, 18:30

“Ngay cả những khâu buộc phải tiền kiểm, Chính phủ chủ trương quy định rất rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp, thời hạn thực hiện, không phải tiền kiểm là tạo điều kiện “ngâm” hồ sơ, nhũng nhiễu làm chậm quá trình này” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.



Công khai hồ sơ dự án thì sẽ khó có khuất tất, gian dối

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công chiều nay, 16-11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đánh giá, đây là một trong những dự thảo luật có đời sống ngắn nhất, vừa ban hành 3 năm đã phải sửa đổi, và một trong những nguyên nhân là do chưa bao quát đầy đủ những vấn đề thực tiễn đặt ra.

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai

Nữ đại biểu đề nghị Luật sửa đổi lần này cần khắc phục, tránh tình trạng vừa ban hành đã sửa đổi bổ sung. Về phạm vi sửa đổi còn có nhiều ý kiến khác nhau, bà nêu quan điểm, không phải xem xét ở góc độ sửa toàn diện hay một số điều mà cần chọn những vấn đề bức xúc. Cần phân định, bóc tách hạn chế nào thuộc về cơ chế chính sách, hạn chế nào do con người, do khâu tổ chức thực hiện để từ đó sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội), về Điều 4, công khai minh bạch trong đầu tư công cần quy định công khai chi tiết, đầy đủ toàn bộ hồ sơ dự án đầu tư để người dân được biết.

“Công chúng sẽ là những người biết rất rõ và tôi tin tưởng rằng khi đấy sẽ không thể có những khuất tất trong quá trình thiết kế, thẩm tra; không thể có cắt xén, gian dối trong quá trình thi công, thực hiện dự án”, ông nhận định, cho rằng đây cũng là cơ sở quan trọng để thực hiện quyền giám sát của người dân, cộng đồng, cũng như Mặt trận Tổ quốc đối với đầu tư công.

Đề nghị “quy về một mối” trong quản lý đầu tư công

Trong khi đó, ĐBQH Trần Quang Chiểu (Nam Định) đề nghị, sửa luật này cần tập trung quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) về một mối, kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư. “Để có Việt Nam ngày hôm nay chúng ta đã chi ra nhiều triệu tỉ đồng để kiến thiết, xây dựng đất nước. Tuy vậy, việc sử dụng nguồn lực chi cho đầu tư phát triển vừa qua chưa đạt được kỳ vọng, chưa tương xứng với số tiền chúng ta bỏ ra. Nguyên nhân thì có nhiều song tôi cho rằng, nguyên nhân rất quan trọng là việc quản lý NSNN còn phân tán” – ông bày tỏ quan điểm.

ĐBQH Trần Quang Chiểu

Nêu thực tế hiện nay ở nước ta NSNN do 2 cơ quan quản lý là Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý phân bổ, chi đầu tư; còn Bộ Tài chính quản lý phân bổ chi thường xuyên, từ đó dẫn đến tình trạng nguồn lực phân tán, chồng chéo, thiếu thống nhất trong quản lý ngân sách, đại biểu đánh giá quy định này cũng sẽ làm giảm hiệu quả chi NSNN, sử dụng NSNN phân tán, manh mún, xé lẻ, thiếu sự gắn kết giữa chi thường xuyên và chi đầu tư.

“Hiện nay, trên thế giới có trên 170 quốc gia, vùng lãnh thổ chỉ Việt Nam là có 2 Bộ quản lý vốn NSNN. Trong khi quy mô nền kinh tế của chúng ta cũng như quy mô ngân sách của chúng ta không lớn. Vì vậy không có lý do gì không tập trung về một mối”, đại biểu Trần Quang Chiểu lý giải.

Ông cũng cho rằng, vừa qua sửa đổi luật Quản lý nợ công thì Quốc hội đã làm được một việc quan trọng là tập trung một đầu mối thống nhất quản lý đối với nợ công, thì tại sao lần này không mạnh dạn “tiến thêm một bước nữa” để có sự quản lý thống nhất đối với toàn bộ lĩnh vực đầu tư công nói riêng và quản lý NSNN nói chung.

Đơn giản hoá quy trình, không “đẻ” ra thủ tục mới

Phát biểu giải trình thêm tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, sau 3 năm thực hiệ,n Luật Đầu tư công đã có bước chuyển biến căn bản trong tái cơ cấu đầu tư công; khắc phục phân tán, dàn trải, nhất là nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Để khắc phục những yếu kém, vướng mắc trong quá trình thực hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60 năm 2018, Nghị quyết 70 năm 2018 để siết chặt kỷ luật đầu tư, ban hành Nghị định 120 sửa đổi 3 Nghị định liên quan đến đầu tư công. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành, tổng hợp, lấy ý kiến nhiều vòng để sửa đổi một số điều liên quan Luật Đầu tư công.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

“Về quan điểm sửa Luật, thống nhất là cần thể chế hoá chủ trương đường lối của Đảng, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả đầu tư công, gắn với tái cơ cấu, thu chi ngân sách; phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền, cố gắng đơn giản nhất quy trình thủ tục, không “đẻ” ra những quy trình thủ tục mới, như đại biểu nói, có quy định phức tạp hơn, chúng tôi sẽ rà soát kỹ lại” – Phó Thủ tướng nói.

Tăng cường kỷ luật kỷ cương ngân sách, tăng cường hậu kiểm, đảm bảo công khai minh bạch, giám sắt chặt chẽ, có chế tài xử lý vi phạm. Ngay cả những khâu buộc phải tiền kiểm, Chính phủ chủ trương quy định rất rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp, thời hạn thực hiện, không phải tiền kiểm là tạo điều kiện “ngâm” hồ sơ, nhũng nhiễu làm chậm quá trình này.

“Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo rà soát để quy định cụ thể hơn chế độ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý đầu tư công, tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế tốt nhất về đầu tư công, nghiên cứu xây dựng tiêu chí lựa chọn dự án, đánh giá hiệu quả đầu tư”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát đánh giá kỹ một cách công bằng, cả mặt tích cực và tiêu cực của 18 nhóm chính sách; cân nhắc lựa chọn kỹ lưỡng những nội dung sửa đổi có lý lẽ thuyết phục để trình Quốc hội tại kỳ họp lần sau.


Quỳnh Vinh
.
.
.