Philippines bày tỏ quan ngại vụ Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam

Thứ Tư, 08/04/2020, 21:30
Bộ Ngoại giao Philippines ra thông cáo bày tỏ quan ngại về vụ việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hôm 3/4.


"Bộ Ngoại giao bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ việc một tàu cá Việt Nam chìm hôm 3/4 trên Biển Đông", tuyên bố được phát đi ngày 8/4 của Bộ Ngoại giao Philippines nêu. Ngày 3/4, tàu cá QNg90617TS của ngư dân Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Một tàu cá hành nghề trên biển bị tàu lạ tấn công gây hư hỏng.

Nhắc lại việc tàu cá nước này từng bị gặp sự vụ tương tự ở Biển Đông cách đây không lâu nhưng các thuyền viên đã được cứu sống bởi các tàu cá của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh:

"Trải nghiệm tương tự của chúng tôi đã cho thấy sự tin tưởng vào tình hữu nghị bị tổn hại như thế nào, và hành động nhân đạo của Việt Nam đã tạo ra sự tin tưởng khi họ cứu mạng các ngư dân Philippines".

"Chúng tôi đã không ngừng và sẽ không ngừng cảm ơn Việt Nam về hành động đó. Với suy nghĩ đó, chúng tôi đưa ra tuyên bố này để thể hiện tình đoàn kết", Bộ Ngoại giao Philippines nêu.

Theo Bộ Ngoại giao Philippines, các sự cố như vừa xảy ra với tàu cá Việt Nam khiến quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc bị xói mòn trong bối cảnh hai bên đang đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Bộ Ngoại giao Philippines cho rằng việc củng cố các mối quan hệ khu vực rất quan trọng khi ASEAN và Trung Quốc đều cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra, như được khẳng định trong Tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng đặc biệt ASEAN – Trung Quốc, được đưa ra hôm 20/2.

Tuyên bố của Philippines cho rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 khác xa những cuộc khủng hoảng trước đây, không chỉ ở quy mô tai hoạ mà cả ở niềm hy vọng có thể kiểm soát và chặn đứng nó bằng cách thúc đẩy hợp tác và lòng tin đầy đủ giữa tất cả các quốc gia.

Philippines theo đó cho rằng những hành động khiêu khích không bao giờ nên xảy ra bởi chúng thường kết thúc bằng sự thất bại hoặc cái giá tàn khốc của chiến thắng.

"Như chúng tôi đã nói, việc tạo ra các sự cố trên biển sẽ không bao giờ tạo ra quyền hợp pháp ở bất cứ đâu và vào bất kỳ thời điểm nào", Bộ ngoại giao Philippines lập luận đồng thời kêu gọi sự kiên nhẫn và cư xử đúng mực ở Biển Đông.

Cuối tuyên bố, Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định COVID-19 là một mối đe dọa "rất thực tế đòi hỏi sự đoàn kết và tin tưởng lẫn nhau", đồng thời cho rằng đừng nên bất chấp gây ra những sự cố tương tự để khẳng định "các tuyên bố lịch sử hư cấu và quyền khai thác cá".

Trước Philippines, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/4 cũng ra thông cáo bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nhấn mạnh "thật đáng sợ khi Trung Quốc đang lợi dụng sự tập trung của thế giới vào đại dịch toàn cầu để áp đặt các tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông".

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 3/4 có phản hồi về thông tin tàu cá QNg90617TS cùng 8 ngư dân Việt Nam gặp nạn tại khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, đến ngày 3/4, 8 ngư dân Việt Nam trên tàu QNg90617TS đã được tiếp nhận an toàn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bà nói rằng hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Đại diện Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.


Thiện Nhân
.
.
.