Phiên họp thứ 24 UBTVQH: Cho ý kiến về Luật CAND (sửa đổi)
Sáng nay, 14-5, tại Hà Nội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành họp phiên thứ 24 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
- Sửa đổi Luật CAND để “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”
- Sửa đổi Luật CAND đáp ứng yêu cầu đảm bảo ANTT trong tình hình mới
- Xây dựng dự án Luật CAND (sửa đổi) phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đảm bảo ANTT
Đây là phiên họp cuối để xem xét một số nội dung còn lại trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, UBTVQH sẽ cho ý kiến về 2 dự án: Luật CAND (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.
Cho ý kiến về: Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.
Phiên họp thứ 24 UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự. Xem xét các báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2017; đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 1083 của UBTVQH về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016 - 2018, việc ngân sách nhà nước chuyển kinh phí vào Quỹ bảo hiểm xã hội và xem xét, quyết định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021. Xem xét, quyết định thành lập Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân Thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Riêng nội dung chuẩn bị kỳ họp thứ 5 của Quốc hội sẽ được gửi xin ý kiến các thành viên UBTVQH bằng văn bản thay vì thảo luận tại phiên họp.
“Để bảo đảm việc xem xét, quyết định những nội dung này thực sự hiệu quả, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có liên quan tiếp thu, hoàn thiện các văn bản kịp trình Quốc hội, đề nghị các đồng chí dành thời gian dự họp đầy đủ, nghiên cứu kỹ tài liệu, đóng góp ý kiến sâu sắc” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý.
Dự kiến Phiên họp sẽ được tiến hành trong 3 ngày (từ 14 đến 16-5).