Thúc đẩy đối thoại APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số

Thứ Tư, 10/05/2017, 19:53
200 đại biểu là các Bộ trưởng các Bộ phụ trách lao động và việc làm cùng các nhà hoạch định đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC sẽ tham dự Đối thoại chính sách cao cấp APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số tổ chức tại Hà Nội từ ngày 14 đến 15-5.

Ngày 10-5, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức thông báo một số nội dung về Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên kỹ thuật số.

Theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, tiếp nối các kết quả đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng về Phát triển nguồn nhân lực APEC lần 6 được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 9-2014, đối thoại lần này được kỳ vọng sẽ đóng góp kết quả cụ thể cho Tuyên bố Hội nghị Cấp cao APEC dự kiến diễn ra cuối năm 2017 cũng như thúc đẩy hợp tác APEC về phát triển nguồn nhân lực phù hợp với tình hình mới.

Tại buổi họp báo chiều ngày 10-5 của Bộ LĐ-TB&XH.

“Có thể nói, tất cả các nền kinh tế thành viên APEC, dù là nước phát triển hay đang phát triển, đều đang đối mặt những thách thức trong đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế kỹ thuật số. Đây cũng là những thách thức đối với APEC trong việc thực hiện cải cách cơ cấu nhằm hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực và phục hồi thị trường”, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết.

Nội dung đối thoại sẽ tập trung vào các lĩnh vực tương lai việc làm trong kỷ nguyên số hóa và tự động hóa; các yêu cầu về giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế mới và an sinh xã hội trong kỷ nguyên số.

Về vấn đề tương lai việc làm và thị trường lao động, các nền kinh tế APEC sẽ cùng xem xét tác động của công nghệ mới và số hóa trong thế giới việc làm thông qua việc cung cấp sự hiểu biết tốt hơn về Công nghiệp hóa 4.0 và tác động không đồng nhất với các nền kinh tế thành viên APEC; xem xét các cách tiếp cận chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ khả năng thích ứng thị trường lao động, công ăn việc làm; và đề xuất các biện pháp can thiệp chính sách.

Về phương diện giáo dục và đào tạo sẽ cung cấp các kỹ năng nêu bật những thách thức và cơ hội cho giáo dục và đào tạo, phân hóa các nền kinh tế thành viên dựa trên trình độ phát triển kinh tế.

Về vấn đề an sinh xã hội, sẽ xem xét các phương án hỗ trợ phát triển chính sách an sinh xã hội trong thế giới việc làm không ngừng thay đổi; thúc đẩy sự tiếp cận tới an sinh xã hội của các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là người lao động ở nền kinh tế phi chính thức; khai thác các cơ hội, rà soát chính sách việc làm, an toàn vệ sinh lao động căn cứ vào những thay đổi về bản chất của các nguy cơ rủi ro tại nơi làm việc.

Phùng Nguyễn
.
.
.