Phát triển bền vững là chủ trương nhất quán trong mọi giai đoạn

Thứ Sáu, 13/09/2019, 04:08
Chiều 12-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên toàn thể của Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”, hướng đến cột mốc năm 2030.

Hội nghị có sự tham dự của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng hơn 700 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Đảng, Chính phủ, các bộ/ngành, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu.

Mở đầu phát biểu tại phiên toàn thể của Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng về sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà lãnh đạo và khung cảnh hội nghị sử dụng đồ tái chế để trang trí, không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Thủ tướng khẳng định, phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội. Cho nên chủ trương phát triển bền vững được thể hiện nhất quán trong các văn kiện, các chương trình, kế hoạch phát triển đất nước trong từng thời kỳ.

Nếu không phát triển nhanh thì sẽ tụt hậu so với thế giới nhưng phải phát triển bền vững, Thủ tướng nêu rõ quan điểm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Trong 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững và đạt được nhiều thành tựu quan trọng như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được duy trì ở mức cao, chất lượng tăng trưởng được nâng lên.

Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2017 là 0,694 thuộc nhóm trung bình cao trong tổng số 189 quốc gia. Việt Nam tích cực tham gia có hiệu quả vào các sáng kiến bảo vệ môi trường toàn cầu. Theo báo cáo đánh giá thường niên lần thứ tư về tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2019, Việt Nam xếp thứ 54, tăng 3 bậc so với năm 2018 và chỉ số phát triển bền vững đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Các chỉ số xếp hạng cao ở Việt Nam là xoá đói giảm nghèo, giáo dục, tiếp cận năng lượng, mô hình tiêu dùng, sản xuất bền vững, chống biến đổi khí hậu.

“Tuy nhiên, các kết quả nêu trên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế cần được cải thiện”, Thủ tướng nói.

Tình trạng khai thác và sử dụng kém hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm ô nhiễm môi trường, mất cân đối các hệ sinh thái còn diễn ra ở nhiều nơi. Nhìn toàn diện cả những thành tựu, mặt tích cực và cả những tồn tại, hạn chế nêu trên để thấy rằng một thập niên qua chúng ta đã có những chuyển biến đáng khích lệ, có nhiều bước tiến trong phát triển bền vững nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để thực hiện một thập niên tới bền vững hơn nữa, tốt hơn nữa.

Thủ tướng đề nghị, cần thống nhất về nhận thức và hành động trong tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển bền vững. “Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị và mọi thành phần trong xã hội”.

Cần tập trung chính sách và nguồn lực cho phát triển bền vững. Báo cáo phát triển con người của Liên hợp quốc đã xác định rõ mục tiêu duy nhất là đưa con người vào trọng tâm của quá trình phát triển. Con người là trung tâm của phát triển bền vững. Đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất, tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh là nguyên tắc nhất quán trong mọi giai đoạn phát triển.

Chúng ta đã có quá nhiều các văn bản chiến lược phát triển cho các mục tiêu khác nhau trong cùng một thời kỳ. Vì thế, việc thực hiện còn kém hiệu quả, không thể tập trung nguồn lực, kể cả con người, để thực hiện thật tốt. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu để chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững là trọng tâm, nội dung xuyên suốt trong chiến lược kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 với kế hoạch, các nhiệm vụ cụ thể.

Cần tăng tốc quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đổi mới công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nghèo, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững.

Hành động cùng cộng đồng quốc tế, sớm đưa thoả thuận Paris về ứng phó biến đổi khí hậu trở thành hiện thực. Lồng ghép và đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt mục tiêu số 13 là ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai và mục tiêu số 14 là bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển phát triển bền vững trước năm 2030.

Cần thực hiện đồng bộ các chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nghèo bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ cho sự phát triển bền vững.

Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương các biện pháp quyết liệt của nhiều địa phương. Cụ thể là TP. Hà Nội với chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016 - 2018 và trồng thêm 600.000 cây xanh nữa đến năm 2020, giao chỉ tiêu trồng cây xanh tới từng quận, huyện của thành phố. Hay tỉnh Quảng Ninh thực hiện chấm dứt sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần ở Vịnh Hạ Long. Ở Cù Lao Chàm, Hội An, tỉnh Quảng Nam, đã 10 năm không sử dụng túi nilon.

Thủ tướng cũng đánh giá cao sáng kiến lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam hay là Chuỗi siêu thị Saigon Co.op cơ bản không sử dụng túi nilon trong tiêu dùng. “Chỉ có những sáng kiến và hành động cụ thể như vậy mới biến các chủ trương, mục tiêu chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững của chúng ta thành hiện thực”.

Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là cho người dân nghèo, vùng sâu, vùng xa, cả về thể lực và trí lực, đạt mục tiêu thiên niên kỷ đã cam kết về phát triển con người.

Tăng cường hiệu suất, hiệu quả làm việc của mọi khu vực trong nền kinh tế, đặc biệt là khu vực Nhà nước. Đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới hình thành Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số như xu hướng thế giới hiện nay. Hoàn thiện khung khổ pháp lý và môi trường kinh doanh, có chính sách đột phá để khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh. Hỗ trợ mọi người dân, doanh nghiệp phát huy khả năng sáng tạo, sản xuất ra của cải vật chất, xây dựng một xã hội thịnh vượng.

Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam căn cứ kết luận Hội nghị, trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về phát triển bền vững.

* Sáng 12-9, Thường trực Chính phủ đã họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho ý kiến chỉ đạo về các dự án giao thông vận tải quan trọng, trong đó thảo luận một số vấn đề trong lĩnh vực hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị…

Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nỗ lực, đóng góp của Bộ Giao thông vận tải phục vụ sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, bên cạnh thành quả đạt được, vẫncòn nhiều dự án tồn tại, bất cập, cần sớm có hướng xử lý.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: Bảo đảm hoạt động bình thường, an toàn hệ thống giao thông vận tải các loại hình"; không để ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Ngành giao thông vận tải, các đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải phải tổ chức công việc theo đúng chức năng, nhiệm vụ mà pháp luật quy định. Đơn vị nào không hoàn thành cần xử lý nghiêm, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng yêu cầu ngành giao thông vận tải phải chủ động hơn nữa, tập trung hơn nữa trong việc giải quyết các thủ tục, vướng mắc; tập trung chỉ đạo hoàn thành tốt các dự án, chương trình, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc, sân bay và các lĩnh vực khác.

Cho rằng có sự trì trệ trong xử lý một số lĩnh vực, Thủ tướng nêu rõ, Bộ Giao thông vận tải cần phân công trách nhiệm rõ ràng hơn, giao công việc có thời hạn rõ hơn, tìm ra nguyên nhân chậm trễ để khắc phục, trên tinh thần "tiến công, làm hết sức mình, làm đúng pháp luật, nếu vướng mắc thì phối hợp xử lý, giải quyết đến nơi, đến chốn". Cần phân biệt việc gì Nhà nước làm, việc gì xã hội hóa để phát huy nguồn lực tổng hợp phát triển ngành giao thông vận tải, Thủ tướng cũng lưu ý huy động vốn tư nhân trong một số lĩnh vực.

Cho ý kiến đối với các kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải đối với một số dự án, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm đúng tiến độ với dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Về vấn đề khai thác bay các cảng hàng không, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm hoạt động bình thường, an toàn ở tất cả các sân bay; chủ động khắc phục những bất cập hiện nay ở các sân bay lớn; bảo đảm hoạt động bình thường của hai sân bay lớn là Tân Sơn Nhất và Nội Bài, không để xảy ra vấn đề ảnh hưởng đến an toàn bay.

Về vấn đề quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng nêu rõ phải thường xuyên chỉ đạo xử lý. Bộ Giao thông vận tải cần công khai minh bạch các dự án đầu tư trong hạ tầng hàng không, dự án Nhà nước làm, dự án nào xã hội hóa để có kế hoạch triển khai và huy động nguồn lực hiệu quả hơn.

Về vướng mắc trong triển khai dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội do Bộ Giao thông vận tải quản lý, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thúc đẩy giải quyết, chủ trì xử lý những vấn đề đặt ra, nhấn mạnh tinh thần thúc đẩy sớm đưa tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào hoạt động.

Các tuyến đường sắt đô thị còn lại ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải rà soát lại, chủ trì giải quyết vấn đề về tiến độ, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hệ thống các tuyến đường sắt này.

Về vướng mắc trong triển khai hệ thống thu phí không dừng, Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm quy định là chậm nhất đến ngày 31-12-2019, các trạm BOT phải triển khai thu phí không dừng.

Đức Tuân - PV (theo Chinhphu.vn - TTXVN)
.
.
.