Phát triển Thừa Thiên Huế gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Thứ Sáu, 25/10/2019, 15:10

Sáng 25-10, tại TP Huế, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhằm có thêm cơ sở hoàn thiện Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X), từ đó đề xuất Bộ Chính trị xem xét, ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới.



Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, đại diện các Bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, các học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực.

Các đại biểu tham dự hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Báo cáo tại hội thảo, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sau 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW, tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2009-2018 là 7,16%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng khá từ 17.500 tỷ đồng lên 32.749 tỷ đồng, tăng 1,86 lần. Thừa Thiên-Huế từng bước khẳng định là trung tâm văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học-công nghệ và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được đẩy mạnh. 

Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất theo Kết luận 48-KL/TW là “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương” vẫn chưa đạt được. Mục tiêu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản quốc gia theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản, thành phố Festival, trung tâm du lịch, văn hóa và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, hiến kế thêm các giải pháp nhằm giúp tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia đề xuất một số kiến nghị với Đảng, Nhà nước như: Cần xây dựng, thực hiện cơ chế đặc thù cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị các di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt nói chung và Di sản Huế nói riêng; trong đó tập trung nghiên cứu xây dựng và thực hiện chiến lược khai thác kinh tế di sản; khuyến khích thực hiện mô hình hợp tác công tư nhằm khai thác giá trị kho tàng di sản theo hướng phát triển bền vững. 

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ báo cáo tại hội thảo.

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, dù kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế tăng trưởng chưa cao nhưng những năm qua, tỉnh đã giữ gìn, phát huy được các giá trị văn hóa di sản, bảo vệ di sản. Vì thế cần có chính sách đặc thù để giúp tỉnh bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, rút ngắn chênh lệch phát triển kinh tế với các địa phương.

Các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để phát triển Thừa Thiên Huế theo hướng thành phố di sản trực thuộc Trung ương.

Kết luận Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, Thừa Thiên Huế là một trung tâm văn hóa lớn của đất nước. Trong 10 năm qua, tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định trong quá trình phát triển, tuy nhiên chưa đạt được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. 

Việc xây dựng định hướng phát triển của địa phương trong thời gian tới cần dựa trên những yếu tố đặc thù, lợi thế so sánh riêng có của Thừa Thiên Huế so với những địa phương khác, đó chính là di sản văn hóa và con người Huế. Phát triển Thừa Thiên-Huế theo hướng thành phố di sản trực thuộc Trung ương sẽ tạo ra cơ chế để huy động được nhiều hơn sự quan tâm đầu tư từ Trung ương bởi Huế là Cố đô, là di sản quốc gia, di sản thế giới, là thương hiệu của đất nước.

TS Trần Du Lịch đề xuất giải pháp giúp Thừa Thiên Huế phát triển kinh tế trong tương lai.

“Thừa Thiên Huế phải hướng tới xây dựng chất lượng cuộc sống của người dân khá giả về vật chất, có đời sống tinh thần phong phú, gìn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh phát triển du lịch, Thừa Thiên Huế cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, công nghiệp sạch thân thiện môi trường, phát triển nông nghiệp công nghệ cao”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định.


Anh Khoa
.
.
.