Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình:

Phải xử lý dứt điểm các điểm đen thường xuyên xảy ra TNGT trên đường bộ

Thứ Ba, 28/06/2016, 18:19
Chiều 28-6, Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, ATGT 6 tháng đầu năm 2016. 

Tham dự đầu cầu Hà Nội còn có đại diện các Bộ, ban, ngành, tại các địa phương có các đồng chí là thành viên Ban ATGT các tỉnh… 

Mở đầu Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình phát biểu, đây là lần đầu tiên tôi chủ trì cuộc họp trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc Gia. Nhìn lại vấn đề ATGT 6 tháng đầu năm có thể thấy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trật tự ATGT giảm cả 3 tiêu chí, số sụ, số người chết, số người bị thương. Tuy nhiên còn xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.Tháng 5,6 gia tăng số vụ, người chết, người bị thương. “Tại hội nghị, tôi mong các đồng chí đề xuất các giải pháp thiết thực, lâu dài để thực hiện tốt hơn công tác ATGT trong thời gian tới”, đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh. 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Báo cáo tóm tắt tình hình trật tự ATGT 6 tháng đầu năm, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 10.227 vụ,  làm chết 4.362 người, làm bị thương 8.939 người. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 952 vụ, giảm 116 người chết, giảm 1.213 người bị thương. Mặc dù TNGT đã được kìm chế, TNGT tiếp tục giảm, tuy nhiên, ông Hùng cũng cho hay, trong 6 tháng quá chúng ta chưa đạt mục tiêu về tỷ lệ giảm số người chết vì TNGT.

Đặc biệt, số người chết vì TNGT trong tháng 5 và tháng 6 đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Trên cả nước còn để xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng; chưa xử lý dứt điểm được hiện tượng chở quá tải trọng phương tiện trên đường bộ; xảy ra một số vụ TNGT đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản; xảy ra sự cố uy hiếp an toàn hàng không mức B tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất…

Phát biểu thẳng thắn, đại biểu các tỉnh Tiền Giang, Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh đều đồng tình với ý kiến của Ủy ban ATGT Quốc Gia là, tai nạn gia tăng chủ yếu trên các tuyến Quốc lộ, trên các cửa ngõ vào thành phố. Nguyên nhân của những tồn tại trên, theo các đại biểu một phần là do ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông; còn tình trạng buông lỏng trong quản lý nhà nước về ATGT đối với kết cấu hạ tầng, kinh doanh vận tải, kỹ thuật phương tiện trên đường bộ và đường thủy nội địa; hiệu lực hiệu quả của công tác thanh tra, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm còn chưa cao; còn hiện tượng xuê xoa, dung túng và dư luận về tiêu cực trong một bộ phận lực lượng thực thi công vụ…

Nói về các giải pháp khắc phục, đồng chí Phạm Anh Tuấn- Phó Chủ tịch tỉnh Tiền Giang cho rằng: cần gắn trách nhiệm người đứng đầu trong vấn đề kìm chế tai nạn, đảm bảo ATGT.  Trong khi đó, theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn-Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông lại nhấn mạnh: TNGT gần 80% là do mô tô gây ra, 20% là do ô tô. Vi phạm gây tai nạn chủ yếu là phóng nhanh, vượt ẩu, sử  dụng rượu bia.  Nếu lực lượng CSGT chỉ tuần tra kiểm soát thì không xử lý xuể. 

Vì vậy, đề nghị trên các tuyến quốc lộ, đoạn nào hay xảy ra tai nạn thì xây giải phân cách giữa. Đồng thời, xây dựng các hệ thống gờ giảm tốc ở các tuyến đường đi qua trường học, bệnh viện, đường không ưu tiên như ra đường ưu tiên. Thậm chí ở những điểm giao cắt này, có thể cắm biển “ STOP” như quốc tế. Như thế các phương tiện đi qua ngã tư này, sẽ dừng lại quan sát trước khi đi tiếp.

Mặt khác, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho rằng, nên tăng cường hệ thống giám sát trên các tuyến quốc lộ, như máy đo tốc độ, camera ghi lại hình ảnh, để giảm bớt việc đưa lực lượng CSGT ra đường nhưng vẫn nâng cao hiệu quả xử phạt. Trong khi đó,  ông Trần Ngọc Căng- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi lại đề nghị sửa đổi bổ sung luật ATGT. Vị này cho rằng, đối với vụ TNGT nghiêm trọng, nếu lỗi do lái xe thì tước giấy phép lái xe vĩnh viễn. Đối với người điều khiển mô tô đua xe trái phép nên tịch thu bằng đồng thời tịch thu phương tiện bán đấu giá xung quỹ…

Sau khi nghe ý kiến của các địa phương, Bộ, ngành, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu: Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, tôi biểu dương các Bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và Ban ATGT các địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm TTATGT trong 6 tháng đầu năm 2015, trong đó đặc biệt là Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và 10 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Lai Châu, An Giang, Trà Vinh, Nam Định, Cần Thơ, Quảng Trị, Tuyên Quang, Yên Bái, Đà Nẵng, Gia Lai, đặc biệt là tỉnh Lai Châu, An Giang và Trà Vinh giảm trên 30% số người chết do TNGT.

Dù tình hình TTATGT trong 6 tháng đầu năm 2016 tiếp tục được kiềm chế, tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí, tuy nhiên, công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chưa đạt mục tiêu về tỷ lệ  giảm số người chết vì TNGT (mới giảm được -2,59%).  Nguyên nhân một phần là do người đứng đầu ban ATGT một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến các giải pháp kìm chế tai nạn. Một số chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn thiếu trách nhiệm trong quản lý phương tiện, chạy theo lợi nhuận, tạo áp lực cho lái xe. Trong khi đó, lái xe cũng còn tình trạng uống rượu bia, sử dụng ma túy, nên việc chở khách lưu thông trong tình trạng này cực kỳ nguy hiểm.

Đối với lực lượng xử lý vi phạm trên đường, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh:  “Không để tình trạng vừa thổi còi đã gọi cho người quen hoặc dấm dúi đút lút, không ai được cai thiệp vào người đang làm nhiệm vụ. Cần thay đổi quan niệm về ứng xử, kiên quyết giữ gìn phẩm chất trong xử lý vi phạm. Có như vậy mới mong xử lý nghiêm vi phạm”... 

Nói về vấn đề ý thức người tham gia giao thông, Phó Thủ tướng dẫn chứng:  Người Nhật ra đường nhường nhịn từng chút một, còn ta ra đường chen nhau từng chút. Vì thế cần xây dựng văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, như văn hóa nhường nhịn, chấp hành nghiêm việc không lấn đường, vượt ẩu... Xây dựng văn hóa tốt trong giao thông là góp phần giảm thiểu TNGT.

Để đạt mục tiêu kéo giảm từ 5-10% số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT trong cả năm 2016, giảm số vụ ùn tắc giao thông cũng như ngăn chặn các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ, đường thuỷ nội địa, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc Gia cũng đưa ra 7 yêu cầu. Cụ thể, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020 đáp ứng với yêu cầu của công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới và triển khai thực hiện Nghị quyết số 70 ngày 15-4-2016 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về “Cải thiện an toàn giao thông đường bộ toàn cầu” với mục tiêu giảm 50% thương vong do TNGT đương bộ vào năm 2020.

Tiếp tục thực hiện siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ và đường thuỷ nội địa, nhất là hoạt động vận tải hành khách; xử lý dứt điểm tình trạng chở hàng quá tải trọng quy định đối với xe ô tô và phương tiện thuỷ.

 Đặc biêt, trong năm 2016 phải có giải pháp trước mắt và cơ bản khắc phục xử lý dứt điểm các điểm đen thường xuyên xảy ra TNGT trên đường bộ; lập các đề án, dự án về tăng cường an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng đường bộ giai đoạn 2016-2020... 

Phạm Huyền
.
.
.