Nợ và trả nợ của Vicem

Thứ Sáu, 21/04/2017, 09:17
Dư luận quan tâm trước thông tin Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) làm ăn thua lỗ và nợ thuế. Tầm quan trọng của vấn đề nằm ở chỗ, “sức khỏe” của đơn vị kinh tế này can hệ trực tiếp tới đời sống, việc làm của hàng chục ngàn lao động cũng như ảnh hưởng tới vai trò dẫn dắt thị trường xi măng mà Vicem đang nắm giữ 36% thị phần tiêu thụ nội địa.

Bởi vậy, thấu hiểu bản chất câu chuyện này không chỉ có ý nghĩa đối với các nhà quản lý của Vicem, mà còn hữu ích đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trong cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước hiện nay.

Những con số bắt nguồn từ kết luận của thanh tra Bộ Xây dựng sau khi thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, phòng chống tham nhũng…đối với 20 công ty trực thuộc Vicem.

Bên cạnh những giải pháp tích cực trong quản lý để tạo nên tăng trưởng của Vicem những năm qua, kết luận thanh tra cũng chỉ ra những con số cần lưu ý khắc phục như khoản nợ ngân sách Nhà nước trên 327 tỷ đồng của 20 công ty tại thời điểm thanh tra; khoản công nợ hơn 937 tỷ đồng phải thu tổng cộng của 20 công ty nói trên và một số vấn đề khác.

Bất cứ ai cũng giật mình khi nghe đến con số nợ hàng tỷ chứ chưa nói hàng trăm tỷ, bởi họ dễ liên tưởng tới vụ nọ vụ kia đã xảy ra gây thất thoát hàng ngàn tỷ thời gian gần đây có nguyên nhân từ cung cách quản lý.

Câu hỏi đặt ra là, liệu những khoản nợ lớn trên có mâu thuẫn gì với biểu đồ tăng trưởng, thể hiện ở mức gia tăng nộp ngân sách đã được kiểm toán nhà nước, kiểm toán quốc tế kiểm toán (năm 2014: 1.074,3 tỷ đồng; 2015: 1.571,0 tỷ; 2016: 1.897,5 tỷ) và chi lương ổn định đời sống của cán bộ, công nhân viên Vicem trong những năm qua hay không? Cần phải nhìn với tư duy quản lý như thế mới nhận rõ bản chất của sự việc.

Nếu lãi giả mà lỗ thật thì chả cần phân tích cũng thấy ngay vấn đề ở mức nghiêm trọng rồi; Còn nợ mà có khoản thu, rõ địa chỉ chịu trách nhiệm và có điều kiện để trả hoặc nợ do vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, trả nợ đúng lộ trình cam kết thì chả có gì đáng bàn.

Trả lời về khoản nợ ngân sách của Vicem, ông Tổng giám đốc Vicem Trần Việt Thắng thẳng thắn thừa nhận tại thời điểm thanh tra 31/12/2015, Vicem còn nợ thuế và các khoản  thu nộp ngân sách trên 327 tỷ đồng. Khoản này đã thể hiện rõ trên báo cáo tài chính của các công ty thành viên.

Nhưng tới trước thời điểm quyết toán thuế năm 2015 (90 ngày kể từ khi kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính) theo luật định, Vicem và các công ty thành viên đã nộp đủ khoản nợ trên vào ngân sách Nhà nước. Điều này hoàn toàn kiểm chứng được qua hồ sơ và chứng từ của các cơ quan hữu quan lưu lại.

Khoản nợ phải thu 937 tỷ đồng tính đến thời điểm 31-12-2015 cũng được Vicem xác nhận. Đó chủ yếu là công nợ nội bộ giữa các công ty trong Vicem với nhau, nợ công ty bán vật tư thiết bị xi măng, nợ bán xi măng cho giao thông nông thôn, các khoản trả trước cho người bán và phải thu khác…

Nếu so sánh con số này với doanh thu của Vicem mỗi năm lên tới 30 ngàn tỷ đồng, thì nó mới chiếm 5-6%. Nhưng dẫu sao, nợ vẫn là nợ, cho dù đó là nợ luân chuyển thường thấy ở bất kỳ đơn vị sản xuất nào, không thể né trách nhiệm mà Vicem phải nỗ lực các biện pháp để thanh khoản như kiến nghị của Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng.

Cái được qua câu chuyện này, trước hết các nhà quản lý của Vicem có dịp căn chỉnh lại các biện pháp quản lý sản xuất kinh doanh cho hiệu quả hơn; sau nữa, nó như lời nhắc nhở các doanh nghiệp nói chung siết chặt quy trình quản lý nhằm không chỉ đạt mục tiêu lợi nhuận mà còn chủ động phòng ngừa sai phạm, phòng chống tham nhũng một cách hiệu quả.

Thực tế cho thấy, đầu tư mà không kiểm soát được dòng tiền đầu tư mới đáng sợ. Còn nợ vì vay để đầu tư, trả nợ đúng lộ trình dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý, hiệu quả có lãi như dự án xi măng Bút Sơn, xi măng Tam Điệp… của Vicem thì chả có gì đáng quan ngại.

PV
.
.
.