Những ưu tiên của Việt Nam trong tháng làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Thứ Sáu, 02/04/2021, 07:35
"Với tư cách là một nước Ủy viên không thường trực, Việt Nam may mắn được đảm nhiệm hai lần vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) trong cùng 1 nhiệm kỳ. Đây là vinh dự và cũng là cơ hội ghi dấu ấn Việt Nam với Hội đồng Bảo an LHQ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung", ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế - Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.


Tích cực đề xuất các sáng kiến

Tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ của Việt Nam bắt đầu từ  ngày 1/4/2021. Đây là một tháng tương đối bận rộn của Hội đồng Bảo an LHQ với chương trình hoạt động dày đặc gồm gần 30 cuộc họp cấp đại sứ, xử lý 12 vấn đề ở tất cả các khu vực trên thế giới. 

Theo đó, Việt Nam sẽ thúc đẩy 3 chủ đề ưu tiên gồm: “Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột”; “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” và “Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang". 

Chưa hết, xuyên suốt trong thời gian còn lại nhiệm kỳ của mình, Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực lồng ghép các quan tâm, ưu tiên của mình trong quá trình thảo luận, thương lượng và quyết nghị của Hội đồng Bảo an LHQ. 
Hai lần đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ trong cùng một nhiệm kỳ vừa là vinh dự, vừa là trọng trách, cơ hội để Việt Nam thể hiện đường lối đối ngoại chủ động và đa phương.

Nói cụ thể hơn về những hoạt động trong tháng 4 này, ông Đỗ Việt Hùng cho hay, Việt Nam dự kiến tổ chức Phiên thảo luận xấp cao trực tuyến với chủ đề “Vai trò của các tổ chức khu vực (TCKV) trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa xung đột”. 

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao ta chủ trì một sự kiện trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an LHQ nhằm  tiếp tục thúc đẩy vai trò của các TCKV cũng như hợp tác giữa LHQ với các TCKV, trong đó có ASEAN, trong tiến trình duy trì hòa bình, ổn định, phát triển kinh tế-xã hội nói chung và trong ngăn ngừa xung đột nói riêng; triển khai cụ thể chính sách đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn phát tiển mới của đất nước; kế thừa và tiếp nối những kết quả thành công đạt được trong năm ta làm Chủ tịch ASEAN 2020 và sáng kiến trong tháng Chủ tịch Hội đổng Bảo an LHQ lần thứ nhất (tháng 1/2020) khi tổ chức phiên họp lần đầu tiên của Hội đồng Bảo an với chủ đề “Hợp tác giữa LHQ và ASEAN”.

Với ưu tiên về “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững", sự kiện điểm nhấn của Việt Nam là phiên họp cấp Bộ trưởng trực tuyến (ngày 8/4) gắn với Ngày quốc tế nhận thức bom mìn và hỗ trợ hành động bom mìn (4/4) được LHQ tổ chức hằng năm. 

"Việc Việt Nam tham gia tích cực và có sáng kiến cụ thể trong vấn đề này sẽ thể hiện vai trò, đóng góp trên một lĩnh vực ta và nhiều nước quan tâm/có lợi ích, tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ Hội đồng Bảo an LHQ 2020-2021, thể hiện tính nhân văn và đề cao khía cạnh nhân đạo trong việc giải quyết hậu quả bom mìn, nâng cao nhận thức chung, thu hút nhiều hơn sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến công tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, qua đó tranh thủ hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam cũng như các nước chịu ảnh hưởng", Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế-Bộ Ngoại giao khẳng định.

Đặc biệt, quan điểm lấy con người là trung tâm còn được Việt Nam thể hiện rõ nét thông qua phiên họp nghe báo cáo trực tuyến cấp Bộ trưởng (dự kiến vào ngày 27/4) về chủ đề “Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang” và thúc đẩy Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một văn kiện về vấn đề này. 

Là quốc gia nước từng trải qua nhiều đau thương, mất mát của chiến tranh và trong hai cuộc kháng chiến, Việt Nam có lợi ích và nhu cầu trong việc thúc đẩy vấn đề bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang, cũng như sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm, bài học thực tiễn. 

Vì thế, Việt Nam đã nhiều lần đóng góp các nội dung liên quan trong quá trình thảo luận và thương lượng các văn kiện của Hội đồng Bảo an LHQ, đặc biệt là đã có đóng góp nội dung quan trọng về việc cần đảm bảo cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với hoạt động viện trợ nhân đạo, cung cấp các dịch vụ cần thiết liên quan đến vaccine, điều trị y tế trong Nghị quyết 2562 (2021) của Hội đồng Bảo an LHQ về kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế nhằm đảm bảo tiếp cận vaccine COVID-19 tại các khu vực xung đột thông qua hồi tháng 2...

Đối tác tin cậy và trách nhiệm

Đánh giá việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ hai lần trong một nhiệm kỳ (tháng 1/2020; tháng 4/2021) là vinh dự và trọng trách không phải quốc gia nào cũng có được, ông Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh: "Việt Nam sẽ chủ trì, điều hành các công việc của Hội đồng Bảo an LHQ trên cơ sở cân bằng, khách quan, xây dựng và hướng tới đồng thuận; tích cực đề xuất các sáng kiến để cùng các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế quan trọng". 

Cũng theo Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế - Bộ Ngoại giao, kể từ tháng 1/2020 khi đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã nỗ lực đóng góp vào duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, trong xử lý xung đột ở các khu vực trên thế giới. 

Khi thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Hội đồng Bảo an LHQ phải chuyển từ hoạt động trực tiếp sang hoạt động trực tuyến, Việt Nam vẫn chủ động và nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết cùng các quốc gia thành viên LHQ để giải quyết các vấn đề quốc tế. 

Sự tham gia nhiều hơn của lãnh đạo Việt Nam và lãnh đạo Bộ Ngoại giao trong các cuộc họp trực tuyến đã khẳng định sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo Việt Nam với chủ nghĩa đa phương nói chung và vai trò quan trọng của LHQ và Hội đồng Bảo an nói riêng.

Lần thứ 2 đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ còn là cơ hội để Việt Nam tuyên truyền mạnh mẽ về chủ trương, đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng; là tiền đề tiếp tục phát huy, nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. 

"Đây cũng là dịp Việt Nam thể hiện cam kết tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đối thoại, đóng góp vào những nỗ lực chung của Hội đồng Bảo an trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho các vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, đáp ứng lợi ích chính đáng của các quốc gia, vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và tốt đẹp hơn", ông Đỗ Việt Hùng khẳng định.

Huyền Chi
.
.
.