Những tâm sự từ đáy lòng của đại biểu Quốc hội

Thứ Ba, 29/03/2016, 08:16
Kết thúc một nhiệm kỳ Quốc hội đầy sôi động với khối lượng công việc lớn, trong đó nổi bật nhất có thể kể đến việc thông qua Hiến pháp 2013, bộ luật gốc với nhiều tiến bộ; xây dựng, sửa đổi, bổ sung hơn 100 bộ luật và luật – nhiều nhất qua các khóa Quốc hội. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội vẫn còn nhiều nuối tiếc, từ đó có những nhắn nhủ cho khóa tiếp theo.

Một trong những hạn chế khiến các đại biểu trăn trở là về công tác xây dựng pháp luật. Tình trạng luật khung, luật ống vẫn còn tồn tại, hay theo đại biểu Trương Thị Huệ là “thủ kho to hơn thủ trưởng”  khi các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư còn “to” hơn cả luật.

Nhiều luật vừa được ban hành đã phải sửa đổi, hay ban hành nhưng không thể thực hiện vì thiếu nguồn lực như chính sách hỗ trợ cho người cao tuổi (nâng từ mức 180 nghìn đồng/tháng lên mức 270 nghìn đồng/tháng nhưng không thể thực hiện do thiếu kinh phí, phải điều chỉnh) hay chính sách hỗ trợ nhà cho người có công.

“Nhiều gia đình khi nghe tin vay tiền để xây nhà, giờ vẫn chưa được hỗ trợ để trả, thậm chí có những người đã qua đời” – đại biểu Khúc Thị Duyền trăn trở. Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ sự không hài lòng về tình trạng chậm trễ, xin hoãn hay gửi văn bản nghiên cứu muộn của các cơ quan soạn thảo. Việc tổng hợp, tiếp thu ý kiến của đại biểu cũng chưa thực sự thỏa đáng, dẫn đến chất lượng luật được xây dựng chưa cao.

Đại biểu Huỳnh Minh Diệu (Quảng Bình) bày tỏ băn khoăn về hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, đặc biệt là của Hội đồng dân tộc và các ủy ban. Đại biểu cho rằng nội dung giám sát còn dàn trải, chồng chéo, báo cáo giám sát ít được các đại biểu nghiên cứu khiến hiệu quả giám sát rất thấp, gây lãng phí, phiền hà.

Nhiều đại biểu cũng chia sẻ băn khoăn hoạt động giám sát chưa đi vào chiều sâu, mới dừng lại ở nghiên cứu văn bản, “cưỡi ngựa xem hoa”, qua giám sát không khen ai, không chê ai, không ai bị kỷ luật, xử lý “hậu” giám sát của Quốc hội chưa tốt.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa (thành phố Đà Nẵng) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trăn trở về năng lực, bản lĩnh của chính mình khi cho rằng kỹ năng hoạt động của một số đại biểu còn hạn chế, chuẩn bị nội dung phát biểu chất lượng thấp, đại biểu chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri khi để tình trạng nhiều kỳ họp trôi qua nhưng nhiều việc chưa được giải quyết, khiến nhân dân nản lòng, đại biểu có cảm giác lực bất tòng tâm; chưa kể đến có đại biểu vi phạm pháp luật gây mất lòng tin của cử tri cả nước.

“Đại biểu Quốc hội phải có dũng khí để nói lên tiếng nói của dân… Có đại biểu chưa thực hiện được lời hứa với cử tri, với nhân dân, các đại biểu này đã và sẽ được chính cử tri đánh giá và sàng lọc” – đại biểu Nguyễn Thái Học khẳng định.

“Thẳng thắn nhìn lại, nhiệm kỳ qua còn nhiều vấn đề đáng lẽ chúng ta phải làm tốt hơn. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nhưng chưa thực hiện hết thực quyền mà pháp luật quy định”– đại biểu Huỳnh Nghĩa bày tỏ. “Nhìn lại một nhiệm kỳ đã qua quá nhanh.

Theo tôi, Quốc hội của nhiệm kỳ này vẫn còn nặng nợ với cử tri, trong đó có vai trò của từng đại biểu. Sự đánh giá của cử tri đôi lúc nghiệt ngã nhưng rất công bằng và độ lượng. Tôi tin rằng trong nhiệm kỳ đến, số đại biểu tái cử và số đại biểu mới chất lượng được nâng lên, bản lĩnh trí tuệ tốt hơn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới”.

Nhắn nhủ với Quốc hội khóa sau, đại biểu Nguyễn Văn Tiên gửi gắm 3 điều. Một là làm rõ tại sao làm đường giao thông ở Việt Nam đắt hơn so với thế giới? “Nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn; bộ, ngành đã giải trình, nhưng tôi chưa thấy thỏa đáng.

Năm nay chúng ta phải trả nợ 155 nghìn tỷ đồng, 90 nghìn tỷ đảo nợ, vay ODA khó khăn, nợ công tăng 20% -22% mỗi năm, mà chi phí xây dựng đắt gấp đôi, gấp rưỡi thì rất gay go", đại biểu đặt câu hỏi. Thứ hai là làm thế nào để giá sữa ở Việt Nam phải rẻ hơn so với thuốc lá và rượu bia, bởi ta đang có tình trạng cái cần cho nhân dân thì rất đắt, cái không cần thì rất rẻ.

Thứ ba là mong Quốc hội quan tâm đến vấn đề vắc – xin cho trẻ em, bởi Luật Bảo vệ trẻ em ta đã thông qua rồi, cái gì tốt nhất ta phải dành cho trẻ em. Đại biểu Trần Đình Long và đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ nuối tiếc về “món nợ” với nhân dân khi Quốc hội chưa ra được Nghị quyết về Biển Đông, chưa thể hiện được vấn đề một cách cấp bách, quyết liệt như thực tiễn đang diễn ra.

“Trong hoạt động của mình với tư cách đại biểu chuyên trách, tôi có hai lần cảm thấy xấu hổ. Lần tiếp xúc cử tri Hà Tĩnh, một vị đặt câu hỏi với tôi: Không biết các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách làm gì ở Quốc hội mà để ban hành các đạo luật còn có nhiều điều, khoản thiếu chuẩn mực về câu cú, từ ngữ, chưa nói đến nội dung ý tứ.

Một lần khác, cán bộ tham mưu giúp việc của chúng tôi ở Văn phòng Quốc hội tâm sự: Đại biểu Quốc hội chuyên trách được Nhà nước cho hưởng phụ cấp cao, hằng ngày có  xe đưa, đón, thế mà có trường hợp khi Vụ giúp việc gửi văn bản xin ý kiến thì một chữ, một dấu phẩy cũng không cho. Điều này làm cho các đại biểu Quốc hội chuyên trách phải suy nghĩ, nhất là các đại biểu trong khóa tới”- đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) bày tỏ.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Chúng ta có đầy đủ điều kiện để xử lý nghiêm minh việc nhà báo bị hành hung

Liên quan đến việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – PV Báo Lao Động bị hành hung, đại biểu Đào Trọng Thi cho rằng “về pháp luật, chúng ta đã có đầy đủ điều kiện để xử lý nghiêm minh”. Ông cho rằng không phải chỉ với nhà báo, mà với tất cả mọi người, hành hung như vậy đã là vi phạm nghiêm trọng pháp luật rồi.

PV: Hiện nhiều nhà báo băn khoăn về cơ chế bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp. Là cơ quan thẩm tra dự án Luật Báo chí, ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

ĐB Đào Trọng Thi: Như tôi đã nói trên, pháp luật hình sự và xử lý vi phạm hành chính đã có đầy đủ cơ sở để xử lý các hành vi cản trở tác nghiệp, chứ không phải chúng ta không có cơ chế để xử lý. Vấn đề bây giờ chỉ là các cơ quan thi hành pháp luật phải xử lý nghiêm minh vấn đề này.

PV: Theo ông nên có cơ chế ràng buộc gì để các cơ quan thực thi luật pháp thực hiện nghiêm việc này hay không?

ĐB Đào Trọng Thi: Thực ra không cần gì hơn nữa, pháp luật đã quy định đầy đủ. Chỉ có điều trên thực tế, ở nước ta, việc thực thi pháp luật không nghiêm, không phải chỉ vụ việc với các nhà báo mà trong nhiều vụ việc khác. Do đó, việc giám sát, kiểm tra việc thực thi pháp luật, thậm chí việc xử lý những người không thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật phải tăng cường hơn.

Hội Nhà báo cũng phải có trách nhiệm bảo vệ hội viên của mình, phải có kiến nghị đến cơ quan có trách nhiệm. Tôi nghĩ là nên tạo thành một thói quen trong xã hội. Những cái này có thể đề nghị truy tố ra toà. Những người không thực thi pháp luật có thể quy vào tội bao che.

Chẳng có lý gì mình lại không bảo vệ chính mình. Mình phải có trách nhiệm với cá nhân mình, với đồng nghiệp, có trách nhiệm với những người xung quanh. Chỉ khi nào toàn xã hội quan tâm thực thi pháp luật một cách nghiêm chỉnh thì pháp luật mới được thực thi. Đừng nghĩ mình bị vi phạm, mình bỏ qua, không thèm chấp thì đấy là cao thượng.

Đó là mình thiếu trách nhiệm với chính mình, đồng thời cũng là thiếu trách nhiệm với xã hội. Mình yêu cầu thực thi nghiêm túc pháp luật không phải chỉ vì mình mà vì xã hội. Nếu mọi người dân đều hiểu được như vậy thì pháp luật sẽ được tôn trọng hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Vũ Hân
.
.
.