Những sáng kiến quan trọng của Việt Nam trong năm APEC 2017
- Viettel đã sẵn sàng cho APEC 2017, an toàn thông tin được đặt lên hàng đầu
- Lực lượng Công an “đội mưa” đảm bảo ATGT trước thềm APEC
Nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số
Hội nghị APEC 2017 diễn ra tại Việt Nam lần này mang chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai”. Trong gần 250 hoạt động, hội thảo, hội nghị, Việt Nam đã nêu cao vai trò và trách nhiệm của mình trong việc đưa ra nhiều đề xuất, trong đó có 4 sáng kiến được đại biểu các nền kinh tế thành viên APEC đánh giá cao.
Sáng kiến đầu tiên là về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Các con số thống kê cho thấy, châu Á- Thái Bình Dương là khu vực phát triển nhanh, năng động với trên 50% số người sử dụng điện thoại di động, Internet, mạng xã hội toàn cầu và là thị trường mua sắm qua mạng lớn nhất thế giới. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong tăng trưởng APEC hiện nay cao hơn mức trung bình toàn thế giới, nhiều quốc gia có mức rất cao…
Việt Nam đã đề xuất Đối thoại chính sách cao cấp APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số để thúc đẩy mạnh mẽ hơn cam kết của các nền kinh tế APEC trong phát triển nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển, phù hợp với yêu cầu của người lao động và người sử dụng lao động; nhằm vun đắp tương lai chung về một APEC năng động, hòa bình, đi đầu trong tăng trưởng và liên kết toàn cầu, có khả năng ứng phó với những biến đổi kinh tế - tài chính và những thách thức do thiên nhiên và chính con người gây ra.
Từ đó, đại biểu các nền kinh tế APEC đã thông qua khung phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; đưa ra một loạt các chính sách và biện pháp thích hợp hỗ trợ các nền kinh tế chuẩn bị cho những người tham gia thị trường lao động về những thách thức và cơ hội trong việc làm hiện tại và xa hơn trong tương lai. Khung thời gian đề xuất để thực hiện chương trình này là từ năm 2017 đến năm 2025, và sẽ được các Bộ trưởng phụ trách phát triển nguồn nhân lực đánh giá lại vào năm 2022.
Trong tương lai không xa, tự động hóa sẽ tiếp tục có ảnh hưởng đáng kể tới những loại hình lao động truyền thống. Ảnh: CTV. |
Thương mại điện tử xuyên biên giới
Trên thực tế, thương mại điện tử xuyên biên giới được coi là lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong thương mại thế giới. Từ xuất phát điểm gần như bằng 0 ở thời điểm hai thập kỷ trước, đến cuối năm 2016, thương mại điện tử xuyên biên giới ước tính đạt gần 2 tỷ USD trên toàn cầu.
Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có khối lượng giao dịch lớn nhất thế giới, theo sau là khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ. Doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2016 đạt 144 tỷ USD, chiếm khoảng 36% doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu. Đến năm 2020, doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới của khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay và chiếm 50% doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu.
Các chuyên gia cho rằng, thương mại điện tử vẫn luôn là bài toán niềm tin. Nhất là khi giao dịch giữa các quốc gia với nhau, các bên thứ 3 giao nhận, thanh toán vẫn còn thiếu. Do đó, trong khuôn khổ sáng kiến về thuận lợi hóa thương mại điện tử trong APEC, Việt Nam tập trung vào 5 trụ cột: hoàn thiện và hài hòa hóa khung pháp lý Thương mại điện tử của các nền kinh tế thành viên; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới; thúc đẩy hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân xuyên biên giới; thuận lợi hóa thương mại phi giấy tờ trong khu vực; giải quyết những vấn đề mới trong thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo
Hồi giữa tháng 9, Việt Nam giới thiệu tiếp sáng kiến của mình trong Diễn đàn khởi nghiệp APEC, trong đó tập trung thảo luận những nội dung hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs); tạo điều kiện cho các MSMEs đổi mới, sáng tạo, cơ hội hội nhập, tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu ngay từ khi khởi nghiệp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội một cách bền vững và thân thiện với môi trường.
Với mong muốn trở thành quốc gia và địa chỉ khởi nghiệp trong các nền kinh tế APEC, Việt Nam đã thúc đẩy việc hình thành Tuyên bố chung về thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để kiến nghị cho Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC, đồng thời góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa quan hệ hợp tác nhiều mặt của Việt Nam với các nền kinh tế APEC.
Nhờ có đề xuất của Việt Nam mà từ năm 2017, APEC sẽ tổ chức diễn đàn về khởi nghiệp APEC bên lề các hội nghị để chia sẻ kinh nghiệm, công bố chỉ số khởi nghiệp trong khu vực APEC; đồng thời, đưa ra những giải pháp, khuyến nghị nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của các nền kinh tế thành viên; chung tay xây dựng mạng lưới khởi nghiệp APEC.
Theo Nghiên cứu chỉ số khởi nghiệp toàn cầu (GEM), hệ sinh thái khởi nghiệp APEC đang phát triển tương tự với hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Đây là sự kết hợp giữa rất nhiều yếu tố: tài chính cho doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thuế và thủ tục hành chính, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh...
Song, xét về điểm số hiệu quả của các yếu tố thành phần, hệ sinh thái khởi nghiệp APEC còn xa mới đạt được mức tốt nhất. Hiện nay, Việt Nam đã và đang phát động khởi nghiệp mạnh mẽ trên cả nước, đã và đang có những chính sách mới hỗ trợ trong cộng đồng khởi nghiệp. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có tinh thần khởi nghiệp khá cao trên thế giới.
Phát triển bao trùm kinh tế tài chính và xã hội
Trong những năm qua, APEC đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng nhiều thách thức cũng đang đặt ra đối với các thành viên như: bất bình đẳng gia tăng, các vấn đề biến đổi khí hậu, bệnh dịch, xung đột... Vì thế, để giúp các nền kinh tế thành viên APEC đạt được mức tăng trưởng như mong muốn, tháo gỡ những khó khăn…, tại APEC 2017, Việt Nam đã đề xuất thúc đẩy tính bao trùm trong phát triển, cụ thể là văn kiện trong Năm APEC 2017 về phát triển bao trùm kinh tế, tài chính và xã hội do Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017 đề xuất.
Nhiều đại biểu coi đây là một sáng kiến hay và có ý nghĩa nhằm thực hiện Mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc. Cụ thể, văn kiện về phát triển bao trùm kinh tế, tài chính và xã hội đề ra phạm vi hợp tác và định hướng chính sách hướng tới cộng đồng APEC bao trùm trên cơ sở kế thừa và kết hợp các sáng kiến đang thực hiện và thành tựu đã đạt được trong APEC như: Chiến lược tăng trưởng APEC 2010; Đổi mới chương trình nghị sự trong APEC cho Tái cơ cấu; Kế hoạch hành động tạo thuận lợi kinh doanh APEC lần 2; Bản thiết kế kết nối APEC giai đoạn 2015-2025; và các Kế hoạch hành động riêng lẻ khác...
Ủng hộ sáng kiến của Việt Nam, đầu tháng 11 vừa qua, tổ chức Oxfam công bố báo cáo Nhìn nhận lại về tăng trưởng bao trùm - một báo cáo đi sâu phân tích về vấn đề làm thế nào để châu Á có thể đạt được tăng trưởng kinh tế mà không để ai bị bỏ lại phía sau. Theo đó, báo cáo nhấn mạnh quan điểm rằng các nhà lãnh đạo có thể tận dụng APEC 2017 để xác định lại mô hình kinh tế.
Báo cáo cho thấy các nhà lãnh đạo APEC cần hỗ trợ các nền kinh tế thành viên huy động nguồn thu từ thuế để cung cấp tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thay vì cạnh tranh thuế một cách lãng phí, không công bằng và đưa ra các thực hành làm thất thoát nguồn thu ngân sách quý giá đối với các quốc gia đang phát triển.
Đồng thời, các nhà lãnh đạo APEC cần ngăn chặn các hành vi trốn và tránh thuế doanh nghiệp; tăng cường hợp tác trong việc nâng cao năng lực quản lý thuế, nâng cao hiệu suất thuế, thúc đẩy các chính sách thuế lũy tiến, và xây dựng các hệ thống thu thuế hiệu quả và minh bạch hơn. Những phương thức này có thể giúp tăng nguồn thu ngân sách từ thuế để đầu tư vào các dịch vụ xã hội thiết yếu như y tế, giáo dục và an sinh xã hội; góp phần kiến tạo một xã hội và cộng đồng công bằng, tốt đẹp hơn.