Những ai đã bị xử lý vì để 12 dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”?
- PVN tập trung xử lý dứt điểm các dự án chưa hiệu quả
- 12 dự án "đắp chiếu" ngành Công thương: Ai sẽ trả khoản nợ 55.000 tỷ đồng?
- Chốt phương án xử lý với 12 dự án đắp chiếu ngành công thương
- Trình Thủ tướng báo cáo xử lý 12 dự án “đắp chiếu” ngành Công thương trước 30-9
- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Dự án “đắp chiếu” không loại trừ việc cố ý vi phạm pháp luật
Cụ thể, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng đề nghị Hội đồng thành viên của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Hội đồng quản trị của Tập đoàn cổ phần Dệt may (Vinatex) phải chịu trách nhiệm với những khuyết điểm, sai phạm liên quan đến các dự án và bị đề xuất hình thức kỷ luật là phê bình nghiêm khắc.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại thông báo kết luận của kỳ họp thứ 17 ngày 18-9-2017 đã yêu cầu xem xét thi hành kỷ luật đối các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) các nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010 - 2015.
Đối với các cá nhân thuộc PVN: Tất cả 14 cá nhân nguyên là ủy viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của PVN qua các thời kỳ từ 2006 đến 2015 đều bị xử lý kỷ luật. Ngoại trừ 1 người diện thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị xử lý về mặt kỷ luật Đảng theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và 1 người đang bị tạm giam để điều tra nên chưa xem xét trách nhiệm về mặt hành chính, còn lại có 2 người bị hình thức kỷ luật cảnh cáo và 10 người nhận hình thức kỷ luật khiển trách.
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định cách chức Bí thư và phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Phùng Đình Thực và ông Đỗ Văn Hậu; khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Sơn và cảnh cáo đối với ông Nguyễn Quốc Khánh - đều là nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn PVN.
Ông Nguyễn Xuân Sơn (phải) là một Nguyên Chủ tịch HĐTV của PVN đang bị tạm giam để điều tra |
Riêng trường hợp ông Đinh La Thăng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã bỏ phiếu quyết định kỷ luật cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII.
Đối với các cá nhân thuộc Vinatex: Tất cả thành viên Hội đồng quản trị của Vinatex qua các thời kỳ từ 2008 đến 2014 đều bị phê bình nghiêm khắc và kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Đối với các cá nhân thuộc Vinachem: Ủy ban Kiểm tra Trung ương, kỳ họp thứ 17 đã ra thông báo đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật với ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch Vinachem; quyết định kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng với ông Nguyễn Quốc Tuấn - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty, nguyên Chủ tịch HĐTV Vinachem; kỷ luật cảnh cáo với các ông Đỗ Quang Chiểu - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty và ông Đỗ Duy Phi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Vinachem. Hiện tại, Bộ Công Thương đang khẩn trương xem xét thi hành kỷ luật về mặt hành chính đối với các tập thể và cá nhân của Vinachem.
Thời gian tới, ngoài sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tại các dự án, doanh nghiệp để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho nhà nước, Chính phủ sẽ tiếp tục xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp.
Về lộ trình cụ thể xử lý các dự án này, Chính phủ cho biết: Trong năm 2017 sẽ hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp và kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện. Đến hết năm 2018 sẽ phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp. Đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp.
Qua xem xét các dự án này, Chính phủ cũng cho biết: Mặc dù thuộc các nhóm ngành khác nhau và được khởi công xây dựng, đưa vào khai thác ở những thời điểm khác nhau, nhưng các dự án này đều có chung những khó khăn, tồn tại lớn như sau:
Tổng mức đầu tư đều phải điều chỉnh trong quá trình thi công, làm tăng giá thành sản phẩm (đối với các dự án đã kết thúc và đưa vào khai thác) hoặc làm cho dự án không còn khả thi, buộc phải dừng thi công thực hiện.
Tiến độ kéo dài, có dự án chậm tiến độ 10 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành, khiến cho tình trạng đội vốn càng trầm trọng hơn.
Trong quá trình thi công dự án, hầu hết các gói thầu EPC của dự án đều có phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Nhiều dự án, mặc dù đã kết thúc nhưng vẫn chưa thanh lý được hợp đồng, chưa quyết toán được dự án.
Tất cả các dự án khi đi vào vận hành sản xuất đều gặp khó khăn về tài chính. Do tỷ trọng vốn vay của dự án lớn đã làm tăng chi phí vốn, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao làm dự án không hiệu quả, bị thua lỗ.
Nhiều dự án gặp phải khó khăn về thị trường tiêu thụ cho sản phẩm đầu ra và nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất.
Để xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu của của ngành Công Thương này, Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ do một Phó Thủ tướng làm trưởng ban. Tháng 6 năm 2017, Bộ Chính trị cũng đã họp để xem xét và cho ý kiến chỉ đạo về việc xử lý các dự án này.
Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án trên là gần 43,7 nghìn tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên hơn 63,6 nghìn tỷ đồng (tăng 45,65%). Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm hết 2016 là hơn 16,12 nghìn tỷ đồng