Nhìn lại 20 năm lũ lớn miền Trung: “Kết chặt tay, xây đời mới”

Thứ Bảy, 30/11/2019, 12:11
Sáng 30-11, tại TP Huế, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình nghệ thuật Nhìn lại 20 năm lũ lớn miền Trung với chủ đề “Kết chặt tay, xây đời mới”. 

Tham dự chương trình có đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp; Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT Trần Quang Hoài; ông Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung và các tổ chức quốc tế.

Mở đầu chương trình, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã đọc thư của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi đồng bào, chiến sĩ và lực lượng làm công tác PCTT và CHCN các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung.

Chương trình nghệ thuật “Kết chặt tay, xây đời mới” nhằm nhìn lại những ký ức đau thương, sự chống chọi kiên cường của nhân dân, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong trận lũ xảy ra vào năm 1999 được ví như trận “đại hồng thủy” gây nhiều mất mát về người, tài sản cho khu vực miền Trung, trong đó Thừa Thiên Huế là địa phương gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất. 

20 năm trôi qua, những con người của dải đất miền Trung nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đã biến nỗi đau thương thành hành động, mất mát thành nghị lực. Chính quyền và nhân dân miền Trung đã nỗ lực không ngừng và đang có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội và năng lực PCTT.

Các đại biểu tham dự chương trình Nhìn lại 20 năm lũ lớn miền Trung với chủ đề “Kết chặt tay, xây đời mới”.

Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, những năm qua, do biến đổi khí hậu nên thiên tai ngày càng cực đoan, trái quy luật như mưa lớn trái mùa, bão lớn trên cấp 11, 12 khiến nhiều tỉnh thành chịu thiệt hại nặng nề. Đặc biệt, đợt mưa lũ lịch sử vào năm 1999 là một trong những trận thiên tai nghiêm trọng nhất xảy ra tại khu vực miền Trung. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại chương trình.

Sau năm 1999, nhiều công trình thủy lợi, thủy điện lớn ở miền Trung được xây dựng đưa vào sử dụng góp phần phát huy hiệu quả trong việc cắt lũ, điều tiết nước về vùng hạ du. Đặc biệt, các chủ trương, chính sách, quy phạm pháp luật được bổ sung, hệ thống tổ chức PCTT và TKCN được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương giúp công tác PCTT đạt hiệu quả. 

“Những năm gần đây, thiên tai bão lũ liên tiếp xảy ra ở khu vực miền Trung, tuy nhiên nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành cho đến địa phương cùng sự nỗ lực, đoàn kết của nhân dân, đặc biệt là phương châm “4 tại chỗ” được các địa phương thực hiện tốt góp phần giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu tại chương trình.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế còn cho biết, từ năm 2000 đến nay, được sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, sự chung tay hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đã hỗ trợ tỉnh trong các chương trình, dự án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, xây dựng năng lực và các công trình PCTT.

“Hơn 20 năm đã qua, vết thương đã lành trên những vùng đất bị tàn phá trong cơn lũ lịch sử năm 1999, chúng ta tự hào với sự phục hồi, vượt qua mọi khó khăn, mất mát trong lũ lụt để chung tay góp sức tái thiết quê hương của cộng đồng dân cư, chính quyền, các tổ chức xã hội, các cấp tại các vùng ảnh hưởng của lũ lụt. Chúng tôi tri ân những tấm gương hy sinh của các CBCS, đồng bào vì sự sống còn của người dân trong lũ lụt, mãi mãi biết ơn, bày tỏ sự biết ơn sâu sắc, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, những tấm lòng tương thân tương ái của các tổ chức, cá nhân trong nước, ở nước ngoài đã hỗ trợ nhân dân vùng lũ lụt trong những thời điểm khó khăn nhất. Chúng tôi chia sẻ những mất mát mà các gia đình có người thân đã mãi mãi ra đi trong lũ lụt, cấp ủy chính quyền các cấp sẽ luôn sát cánh cùng bà con vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống mới”, ông Phan Ngọc Thọ khẳng định.

Đại diện Ban Cứu trợ Trung ương trao tặng 50 căn nhà an toàn trước thiên tai cho người dân tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Nam.

Dịp này, Ban Cứu trợ Trung ương đã tặng 50 căn nhà an toàn trước thiên tai cho hộ dân bị thiệt hại của tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Nam với tổng trị giá 2 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam Vinaseed trao tặng 125 căn nhà an toàn trước thiên tai cho người dân tỉnh Thừa Thiên Huế trị giá 5 tỷ đồng.

Đại diện Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam Vinaseed trao tặng 125 căn nhà an toàn trước thiên tai cho người dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Toàn văn bức thư của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi đồng bào, chiến sĩ và lực lượng làm công tác PCTT và CHCN

Thân ái gửi đồng bào, chiến sỹ và lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

Cách đây 20 năm, trận đại hồng thủy xảy ra tại khu vực miền Trung nước ta gây thiệt hại rất lớn: gần 600 người chết, trên 41.000 ngôi nhà bị cuốn trôi, hệ thống hạ tầng bị phá hủy, tê liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân, nhất là tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Miền Trung là khu vực thường xuyên bị tác động bởi thiên tai, “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa.”

Chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân đã phát huy truyền thống kiên cường, biến những mất mát, đau thương thành nghị lực, hành động, không ngừng nỗ lực để phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, năng lực phòng chống thiên tai trong xã hội đã được tăng cường: nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, kỹ năng ứng phó của người dân ngày càng cao, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng được đầu tư hiện đại, tốt hơn, khoa học công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ hơn, trong đó, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương điển hình về công tác phòng, chống thiên tai với phương châm chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa.

Nhân dịp này, tôi xin gửi lời thăm hỏi, chia sẻ sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân bị những nỗi đau mất mát do thiên tai gây ra. Tôi biểu dương những nỗ lực, cố gắng của đồng bào, chiến sĩ và lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, các cấp ủy đảng, chính quyền với tinh thần trách nhiệm cao, bình tĩnh chỉ đạo, xử lý kịp thời các tình huống thiên tai góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người dân trong suốt thời gian vừa qua.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai sẽ còn phức tạp, khó lường, trong khi quy mô kinh tế-xã hội ngày càng lớn nên yêu cầu đảm bảo an toàn trước thiên tai ngày càng cao. Tôi kêu gọi các cấp ủy, chính quyền, các lực lượng phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn từ trung ương tới địa phương, nhất là khu vực miền Trung tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt, sẵn sàng để cùng nhân dân giảm thiểu tối đa thiệt hại, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn, quốc gia an toàn hơn trước thiên tai.

Thay mặt Chính phủ, tôi xin gửi tới các đồng chí, đồng bào lời chúc tốt đẹp nhất, tôi mong rằng phát huy truyền thống kiên cường, đồng bào miền Trung tiếp tục chung sức, chung lòng, cùng đồng bào cả nước kết chặt tay vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, bảo vệ cuộc sống bình yên trong thời kỳ mới.

Thân ái!

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc



Anh Khoa
.
.
.