Nhiều ý kiến còn băn khoăn việc tăng tuổi nghỉ hưu

Thứ Năm, 30/05/2019, 10:03
Một trong những quy định được dư luận quan tâm là tăng tuổi nghỉ hưu, trong đó có nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn trước đề xuất này.

Lao động thiếu việc làm vẫn rất lớn   

Một trong những quy định được dư luận quan tâm là tăng tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án. Phương án 1: "Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi".

Phương án 2: "Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi". 

Tờ trình của Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đề cập đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phân tích, thực tiễn cho thấy, hầu hết các quốc gia tăng tuổi nghỉ hưu là những quốc gia thiếu lao động. 

“Cần lưu ý là nước ta tăng tuổi hưu lúc này đúng vào thời kỳ đang quyết liệt tinh giản biên chế. Hơn nữa, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động cũng còn khó khăn, mỗi năm cả nước vẫn có tới hơn 1 triệu lao động thất nghiệp, trong đó có vài trăm nghìn cử nhân. Thế nên, đây cũng là yếu tố cần tính toán, bởi người trẻ mà thiếu việc thì hậu quả xã hội rất lớn”, ông Hiểu nói.

Phản biện lại quan điểm tăng tuổi nghỉ hưu vì tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đang tăng lên, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, đúng là tuổi thọ người Việt Nam tăng, nhưng số năm mắc bệnh tật trong đời lớn, trong đó nhiều người mắc nhiều bệnh, tức tuổi thọ cao nhưng không khỏe.

“Ở nước ta, đặc thù ngành nghề lao động phần lớn là lao động nặng nhọc, cơ bắp, không phù hợp với lao động khi tuổi đã lớn. Thực tế các chủ lao động cũng không mong muốn sử dụng người lao động lớn tuổi vào lao động trực tiếp, bản thân người lao động cũng không mong muốn, nên năng suất lao động không cao”, ông Hiểu nêu quan điểm.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hoàng Quốc Thưởng, đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, xu hướng ở một số nước phát triển là tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng đi cùng với đó là giảm giờ làm. Ở Việt Nam, trong bối cảnh vẫn thiếu việc làm và cứ mỗi năm lại có thêm 1,2 triệu người bước vào thị trường  lao động; dân số lại đã bắt đầu bước vào ngưỡng "già hoá", thì rất cần tính toán, thiết kế luật theo hướng đáp ứng nhu cầu có việc làm của lao động trẻ.

"Thực tế là tuổi càng lớn thì sức khoẻ, kỹ năng làm việc, độ nhanh nhạy giảm. Tuổi thọ trung bình người Việt ngày càng cao, nhưng không khoẻ. Cho nên đồng ý tăng tuổi hưu nhưng lưu ý xem lại lộ trình, đặc biệt là linh hoạt theo đối tượng, ngành nghề", ông Thưởng nói.

Nhiều ý kiến cho rằng nâng tuổi nghỉ hưu cần xác định rõ từng ngành nghề đặc thù cụ thể.

Phải tách biệt giữa công chức và người lao động

PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, phương án điều chỉnh tuổi hưu thế nào cũng đều phải gắn với các danh mục ngành nghề lĩnh vực cụ thể.

Quan trọng nhất là cần có cơ chế linh hoạt, xây dựng quyền được lựa chọn thời điểm nghỉ hưu của người lao động. Theo cơ chế này, người lao động có thể lựa chọn thời điểm nghỉ hưu dựa trên đánh giá về sức khỏe và hiệu quả lao động của mình tại thời điểm đó.

Nếu người lao động thấy vẫn còn đủ sức khỏe, vẫn làm việc tốt, người sử dụng lao động vẫn có nhu cầu sử dụng thì không thể bắt người lao động phải nghỉ hưu vào thời điểm đó.

Và ngược lại, khi sức khỏe người lao động không bảo đảm, năng suất lao động thấp thì người lao động cũng như người sử dụng lao động có thể cân nhắc cho người lao động nghỉ hưu. Như vậy, thay vì đưa ra một đề xuất về độ tuổi nghỉ hưu cứng, có thể đưa ra quy định mềm về tuổi nghỉ hưu như, kéo dài trong khoảng từ 55-65 tuổi. Trong suốt quãng tuổi đó, người lao động có quyền được lựa chọn thời điểm nghỉ hưu cho phù hợp và có thông báo trước với người sử dụng lao động để tránh sốc cho cả hai bên.

Cùng với việc đề xuất điều chỉnh tuổi hưu, PGS Mạc Văn Tiến cho rằng, cần phải có sự điều chỉnh đồng bộ của nhiều luật khác bao gồm, Luật Lao động, Luật Bảo hiểm và cả Luật Công chức, viên chức.

Làm việc và nghỉ hưu là quyền của người lao động, trong khi đó, yêu cầu đóng bảo hiểm là nhu cầu cân đối giữa nhiệm vụ xã hội và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Đây là hai vấn đề khác nhau nhưng lại gắn với nhau. Do đó, khi điều chỉnh luật lao động thì cũng phải điều chỉnh cả luật bảo hiểm, bởi tuổi lao động cũng gắn với thời gian đóng góp và tỉ lệ hưởng bảo hiểm của người lao động.

Theo PGS Mạc Văn Tiến, muốn bảo đảm được hài hòa lợi ích cho người lao động giữa các khu vực với nhau khi điều chỉnh tuổi hưu phải quy định tùy thuộc vào từng ngành nghề, lĩnh vực để có quy định tỉ lệ đóng- hưởng bảo hiểm rất cụ thể.

"Đặc biệt, với khu vực hành chính, phải gắn với luật công chức, viên chức, cơ chế đánh giá năng lực, dựa theo vị trí việc làm để xác định tuổi hưu cũng như quy định về tỉ lệ đóng - hưởng lương hưu để tránh tình trạng công chức việc nhàn, lương cao, kéo dài thời gian làm việc, đóng bảo hiểm càng lâu thì mức hưởng càng lớn", PGS Mạc Văn Tiến nói.

Phan Hoạt
.
.
.