Sợ phơi ra tồn đọng, nhiều công ty, lâm trường phớt lờ Nghị quyết của Bộ Chính trị

Thứ Bảy, 28/10/2017, 17:28
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, nhiều đơn vị ngại không muốn làm vì sợ phơi ra các tồn đọng, ngại phải đi xử lý tồn đọng.

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết tình hình sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp giai đoạn 2015 – 2017 diễn ra sáng 28-10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn cho biết, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12-3-2014 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện. 

Đến nay, đã có 40/41 phương án tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của 40 tỉnh, thành phố, Tập đoàn, Tổng công ty. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu đẩy nhanh sắp xếp, đổi mới các Công ty nông lâm nghiệp

Tổng hợp số liệu theo báo cáo của các địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty, diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng khoảng 2.366.397 ha. 

Dự kiến tổng diện tích đất đai các công ty nông, lâm nghiệp giữ lại sau sắp xếp, đổi mới là 1.892.486 ha. Đến 15-9-2017, giá trị tài sản theo sổ sách của các công ty nông, lâm nghiệp là 53.125 tỷ đồng; bình quân lợi nhuận trước thuế ba năm 2014, 2015 và 2016 là 2.174 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.779 tỷ đồng. 

Khối các công ty nông nghiệp chiếm tỷ trọng tài sản và lợi nhuận cao hơn khối các công ty lâm nghiệp. Tổng số lỗ lũy kế 1.968 tỷ đồng chiếm 3% vốn chủ sở hữu, số lỗ lũy kế tập trung phần lớn tại các công ty nông nghiệp. Nhiều công ty có lỗ lũy kế lên tới trên 20 tỷ đồng. 

Cũng theo số liệu báo cáo, số lao động trong các công ty đến thời điểm 15-9-2017 là 166.694 người, dự kiến tiếp tục sử dụng sau khi sắp xếp là 144.522 người. 

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, mặc dù đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cùng các Bộ, ngành thường xuyên chỉ đạo sát sao, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại...

Việc sắp xếp, đổi mới các Công ty nông lâm nghiệp còn chậm

Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu năm 2018, tỉnh Nghệ An cũng như các địa phương còn triển khai chậm phải hoàn thành sắp xếp, đi vào tổ chức hoạt động theo mô hình mới chứ không phải là hoàn thành phê duyệt theo yêu cầu của Trung ương và Chính phủ. 

Đồng thời, các địa phương và Bộ NN&PTNT cũng khẩn trương lên phương án điều chỉnh phương án tổng thể và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt ngay trong quý IV-2017 để triển khai toàn diện và hoàn thành trong năm 2018. 

“Năm 2018 phải là năm cao điểm hoàn thành sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty này theo Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị. Năm 2019, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn diện hoạt động của các công ty để biết ai làm tốt, vướng mắc gì, trách nhiệm ở đâu để báo cáo Quốc hội”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân chậm thực hiện sắp xếp chủ yếu là do chủ quan. “Nơi nào tập trung làm thì hiệu quả cao như Tập đoàn Cao su, Tổng công ty Lâm nghiệp và nhiều địa phương khác. Một số nơi chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức, nhất là phối hợp thực hiện. Nhiều đơn vị ngại không muốn làm vì sợ phơi ra các tồn đọng, ngại phải đi xử lý tồn đọng”, Phó Thủ tướng nói. 

Để triển khai hiệu quả, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành bám sát nhiệm vụ, tháo gỡ từng vướng mắc cho doanh nghiệp, địa phương theo các chuyên đề: Cổ phần hoá, đo đạc, chuyển mô hình thành công ty 2 thành viên, xác định giá trị doanh nghiệp, phê duyệt phương án sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, việc ký các hợp đồng cho thuê đất, xử lý tình trạng lấn chiếm, liên doanh, liên kết sản xuất không đúng quy định…

Ngọc Yến
.
.
.