Lễ giỗ các chiến sỹ đã hy sinh tại Nhà tù Phú Quốc

Thứ Hai, 24/07/2017, 14:46
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27-7-1947 – 27-7-2017), ngày 24-7, tại Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc, UBND huyện Phú Quốc, phối hợp với Ban liên lạc cựu tù Phú Quốc, tổ chức lễ giỗ các chiến sỹ đã hy sinh tại Nhà tù Phú Quốc. 


Tham dự lễ giỗ có đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cùng hơn 1.200 cựu tù Phú Quốc. 

Trước khi làm lễ giỗ tại Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và 1.200 cựu từ Phú Quốc, đã đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Phú Quốc.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu dâng hương, tham dự lễ giỗ các chiến sỹ đã hi sinh tại Nhà tù Phú Quốc.

Tại buổi lễ, ông Mai Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đã đọc diễn văn ôn lại những kỷ niệm hào hùng và anh dũng của các chiến sĩ cựu tù binh cộng sản hơn 40 năm về trước. 

Lúc đó tuổi đời của các chiến sĩ chỉ trên dưới đôi mươi nhưng dưới sự lãnh đạo khéo léo, tài tình của đảng ủy, chi bộ của từng phân khu giam, các tù binh cộng sản đã đoàn kết thành một khối vững chắc, kiên cường chiến đấu, sẵn sàng chấp nhận mọi sự hy sinh vì Tổ quốc thân yêu…

Theo ông Phạm Bá Lữ, Trưởng Ban liên lạc cựu binh Nhà tù Phú Quốc, ông tự hào vì đã thông báo cho các cựu binh tù chính trị đến Phú Quốc để dự lễ giỗ của các đồng đội. Lúc đầu dự kiến chỉ có 400 cựu tù, nhưng đến gần ngày đã tăng thêm 800 nữa. Đây là lần đầu tiên có nhiều cựu tù đến tham dự lễ giỗ nhất.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Căng Cây Dừa (1953 - 1954), Trại Huấn chính Cây Dừa (1955 - 1957), Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc (1967 - 1973) là nơi địch giam cầm, đọa đày các chiến sĩ cách mạng với quy mô, số lượng lớn nhất Việt Nam. Giai đoạn 1967 - 1973, nhà tù này đã giam giữ gần 40.000 lượt tù binh là những chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang và cán bộ cách mạng Dân - Chính - Đảng. 

Các đại biểu đến dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Phú Quốc. 

Hơn 4.000 người đã bị kẻ địch sát hại, anh dũng ngã xuống với khí phách hiên ngang, ý chí cách mạng kiên cường, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Thực hiện Hiệp định Paris, từ ngày 15/3/1973, chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ buộc phải thực hiện việc trao trả tù binh của Nhà tù Phú Quốc và cũng là ngày đánh dấu “Địa ngục trần gian” tại hòn đảo này vĩnh viễn bị xóa bỏ.

Hoàng Tuấn
.
.
.