Quản lý tài sản công:

Người đứng đầu nơi xảy ra vi phạm sẽ phải giải trình hoặc có liên đới

Thứ Tư, 28/09/2016, 11:13
Đây là khẳng định của ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tại cuộc họp báo chuyên đề về Luật Quản lý sử dụng tài sản Nhà nước, diễn ra chiều 27-9.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, 4 loại tài sản tại các đơn vị hành chính sự nghiệp được thống kê có giá trị 1 triệu 040 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 50 tỷ USD), trong đó chưa kể nhóm tài sản hạ tầng có giá trị khoảng 1 triệu 831 nghìn tỷ đồng), nhóm tài sản cấp nước sạch,…

Ông Trần Đức Thắng cho biết, từ trước tới nay, đây là những tài sản ít được quan tâm, nhưng trong thời gian tới sẽ được quản lý chặt hơn, phải sử dụng đúng công năng.

Do vậy, dự kiến kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới, Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội dự thảo báo cáo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước sửa đổi, và được thông qua vào kỳ họp kế tiếp năm 2017, và luật sẽ có hiệu lực vào tháng 1-1-2018.

Bộ Tài chính sẽ thực hiện khoán xe công từ ngày 1-10-2016. Ảnh minh họa

Cũng theo ông Thắng, trong thời gian qua, có những nơi thực hiện không nghiêm túc các chế độ sử dụng tài sản công.

Tại dự thảo luật lần này đưa ra, người nào quản lý sử dụng tài sản công mà hướng thiệt hại thì phải đền bù trước, bồi hoàn cho Nhà nước. Tùy theo hình thức vi phạm thì người đứng đầu nơi xảy ra vi phạm sẽ có trách nhiệm giải trình hoặc liên đới.

Việc khai thác tài sản công theo nguyên tắc thị trường, không có chuyện đưa tài sản ra kinh doanh mà không được gì. Giao quyền, cấp quyền cho thuê, chuyển nhượng khai thác tài sản phải theo trình tự…

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là việc thí điểm khoán xe công ở Bộ Tài chính, dự kiến được áp dụng từ ngày 1-10 tới đây.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đức Thắng cho biết: Hiện nay, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng về sắp xếp xe công, sau khi bộ ngành, địa phương rà soát thực hiện. Trong đó xác định rõ tổng xe, theo tiêu chuẩn định mới, chỗ nào thừa thiếu. Bộ cũng đã có văn bản gửi từng bộ ngành địa phương, để so với định mức thừa thiếu bao nhiêu, yêu cầu sắp xếp trong cơ quan để đưa về định mức chung.

Hiện tổng số xe công trên toàn quốc (không bao gồm xe tại lực lượng vũ trang, quốc phòng, an ninh) là 37.000 xe. Trong tổng số xe công này tính ra thừa vài nghìn xe.

Như vậy sau khi rà soát Bộ sẽ xử lý đúng quy định,  không thể có chuyện một đơn vị theo định mức tiêu chuẩn có 2 xe công mà lại  được giữ 3 xe công. “Xe nào cũ thì tự thanh lý.

Xe nào còn sử dụng được mà thừa thì điều về Bộ Tài chính, để sắp xếp cho các cơ quan thiếu, tránh thừa thì bán mà thiếu lại đi mua mới, gây lãng phí”, ông Thắng nhấn mạnh.

Xung quanh việc khoán xe công, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, từ trước Bộ Tài chính đã quy định rõ, không phải tới Quyết định 32 mới có khoán.

Trước đây là khoán tự nguyện, ai tự sắp xếp đi lại được thì tự nhận khoán, chưa bắt buộc, Bộ Tài chính tự nguyện với các lãnh đạo Bộ.

 Còn khi thực hiện khoán, thì cứ theo đúng quy định là khoảng cách từ nhà tới cơ quan, ngày đi làm bao nhiêu, nhân số tiền theo đơn giá taxi, ngày đi và về.

“Chắc chắn tiết kiệm được nhiều so với xe công. Tuy nhiên, có giai đoạn chuyển tiếp, Bộ Tài chính tiên phong, nên việc này rất tốt, nhưng cũng phải thận trọng, từng bước, sau 1 thời gian sẽ đánh giá lại. Hiện tại vẫn còn đội xe, anh em cán bộ lái xe còn ở đó, nếu giải tán ngay cũng không được, nên phải có thời gian điều chỉnh. Còn đi công tác vẫn phải bố trí xe công”.

Tuy nhiên, theo ông Thắng việc khoán cũng phải đảm bảo an ninh an toàn với chức danh lãnh đạo. Có thể chỉ khoán với chức danh dưới Bộ trưởng, hoặc dưới người đứng đầu đia phương. Hiện nay, Cục Quản lý công sản đang thận trọng nghiên cứu từng bước để báo cáo Thủ tướng.

Định hướng tới đây, khoán xe công không chỉ tại Bộ Tài chính, mà tại những địa phương khác, nếu như hạ tầng phát triển thì hoàn toàn có thể khoán được.

Lệ Thúy
.
.
.