Người dân được quyền lựa chọn nơi nhận hộ chiếu
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
- Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
- Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, quá cảnh, xuất cảnh...
Chiều 3-4, Phiên họp Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) mở rộng đã thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ dự và chỉ đạo phiên họp.
Thượng tướng Võ Trọng Việt, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBQPAN chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có Thượng tướng Bùi Văn Nam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.
Các đại biểu dự phiên họp. |
Thay mặt Ban soạn thảo trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Đại tá Trần Văn Dự, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết: Xuất phát từ yêu cầu cụ thể hoá quy định của Hiến pháp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, cũng như để phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay, nhất là yêu cầu cải cách hành chính, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý xuất nhập cảnh và triển khai Đề án sản xuất, phát hành hộ chiếu có gắn chíp điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì việc xây dựng Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là cần thiết.
Qua đó, tạo cơ sở pháp lý trong việc thu thập thông tin, dữ liệu, cấp, quản lý và sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xuất cảnh, nhập cảnh, đặc biệt là qua hệ thống kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động.
Đại tá Trần Văn Dự trình bày Tờ trình tại phiên họp. |
Gồm 6 chương, 40 điều, dự thảo Luật nhằm cụ thể hoá quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền đi lại của công dân; công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện trong cấp, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh.
Theo Đại tá Trần Văn Dự, Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có 8 điểm mới nhằm tạo thuận tiện cho công dân. Đó là quy định rõ quyền, nghĩa vụ của công dân (4 quyền, 2 nghĩa vụ). Không đặt vấn đề “nộp hồ sơ” khi đề nghị cấp hộ chiếu mà chỉ quy định điền vào tờ khai theo mẫu hoặc khai qua mạng internet.
Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu nếu có căn cước công dân có quyền lựa chọn tiếp nhận tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu tại Công an địa phương nơi thuận tiện nhất (quy định hiện hành là nơi thường trú hoặc tạm trú dài hạn). Đối với hộ chiếu phổ thông, không đặt vấn đề hộ chiếu còn hạn hay hết hạn, mà quy định người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần hai trở đi được lựa chọn nơi tiếp nhận tờ khai (quy định hiện hành, hộ chiếu hết hạn 1 ngày vẫn phải về Công an địa phương nơi thường trú để nộp hồ sơ, còn hạn 1 ngày có thể nộp tại Cục).
Người dân được quyền lựa chọn nơi nhận hộ chiếu. Quy định này thể hiện việc tạo thuận lợi nhất cho người dân, tránh thủ tục phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực. Hộ chiếu cấp riêng cho từng người (quy định hiện hành, người chưa đủ 14 tuổi cấp chung với bố, mẹ, thời hạn 5 năm). Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử.
Một điểm mới nữa là đã luật hoá việc khôi phục giá trị hộ chiếu bị mất được tìm thấy, nếu người dân có yêu cầu; để tạo thuận lợi cho người dân, nhất là các trường hợp có thị thực của nước ngoài còn thời hạn.
Thiếu tướng Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ nhiệm UBQPAN trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật cho biết: Thường trực UBQPAN tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh, việc ban hành Luật này nhằm đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh; quy định rõ ràng, minh bạch các trường hợp hạn chế quyền công dân vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng đã được Hiến định; khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh thời gian qua.
Thường trực UBQPAN thấy rằng, về cơ bản hồ sơ dự án Luật bảo đảm các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào Tờ trình những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến của Quốc hội; bổ sung vào Báo cáo tổng kết những thông tin mới tình hình, kết quả công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trong thời gian gần đây; bổ sung vào các Báo cáo đánh giá tác động để đánh giá rõ hơn các chính sách mới, nội dung mới đã được nêu trong Tờ trình.
Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, tán thành với bố cục và nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời góp ý kiến để Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra có thể chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. |
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao Ban soạn thảo đã tích cực chuẩn bị Dự án luật, hồ sơ cơ bản đầy đủ, công phu, đúng tiến độ; đồng thời khẳng định việc ban hành Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là rất cần thiết để thi hành Hiến pháp 2013, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tiếp tục tạo cơ sở, nền tảng pháp lý chặt chẽ cho công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, bảo đảm quyền tự do đi lại của người Việt Nam, góp phần cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đặc biệt quan tâm đến các quy định về quy trình, thủ tục gắn với cải cách hành chính, minh bạch và đơn giản các khâu đoạn trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh. Về nguyên tắc việc cấp hộ chiếu, quản lý việc xuất cảnh, nhập cảnh của công dân phải chặt chẽ, không để xảy ra thiếu sót nhưng thủ tục phải đơn giản, không gây phiền hà, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đi lại của nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị làm rõ thêm tính khả thi của việc triển khai các quy định liên quan đến việc cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử. Hiện Chính phủ đã duyệt chi 1.024 tỷ để triển khai đề án sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam, do đó cần báo cáo, làm rõ thêm kết quả triển khai đề án này, làm rõ một số vấn đề đặt ra trong thực tế, tính liên thông, thống nhất khi vẫn sử dựng cùng lúc hai loại hộ chiếu…
Khẳng định Dự thảo Luật cơ bản đáp ứng được yêu cầu, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, dự kiến những nội dung tiếp thu, giải trình; Thường trực UBQPAN hoàn thành báo cáo thẩm tra sơ bộ để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sắp tới.