Người dân cần chủ động ứng phó với thiên tai
- Tập huấn sử dụng phương tiện ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
- Chủ tịch nước đề nghị toàn dân chủ động ứng phó thiên tai
- Tăng tần suất phát tin chỉ đạo ứng phó thiên tai
Theo ghi nhận và phản ánh của PV Báo CAND, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) liên tục xảy ra những trận mưa lớn, kết hợp với triều cường khiến nhiều khu vực trong tỉnh bị ngập úng, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Điều đáng nói ở đây là tình trạng này không phải diễn ra lần đầu, nhưng lần nào người dân cũng ở thế bị động.
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh BR-VT, trận mưa lớn ngày 27-9 đã khiến hơn 330ha lúa, hoa màu, 3,5ha ao cá và 17 ngôi nhà của người dân xã Tân Hưng, TP Bà Rịa bị ngập trong nước.
Tại xã Tân Hải, huyện Tân Thành cũng có hơn 300ha diện tích đất nông nghiệp bao gồm đất trồng lúa, ruộng muối và ao nuôi thủy sản bị thiệt hại do ngập úng. Và mới đây, 282ha lúa và 29ha nuôi trồng thủy sản của người dân xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc đang chuẩn bị thu hoạch gần như mất trắng. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại, nhưng lần nào người dân cũng ở thế bị động nên không kịp trở tay.
Lực lượng chức năng đưa một người dân bị thương do mưa lũ đi cấp cứu. |
Bà Đặng Thị Hồng Loan (ngụ xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) cho biết, nếu biết trước 3-4 ngày thì chúng tôi có thể di dời đồ đạc hoặc những gì cần thiết, như máy móc. Chứ đằng này nước ập đến quá bất ngờ, ngập hết luôn, cua nuôi bị mất sạch.
Hộ ông Lê Kim Thanh ở xã Phước Thuận là trường hợp bị thiệt hại nặng nhất trong thời gian vừa qua.
Ông Thanh chia sẻ, bình thường nên báo cho người dân 2-3 ngày, nếu trường hợp gấp rút do nước đầu nguồn về nhiều thì cũng phải báo trước cho chúng tôi ít nhất là nửa ngày, hoặc là 3-4 tiếng để chúng tôi có biện pháp, chứ làm bất ngờ quá trong vòng nửa tiếng, 1 tiếng đồng hồ thì sao chúng tôi trở tay kịp bảo vệ tài sản… kiến nghị cần quan tâm hơn đến công tác dự báo.
Đó là những mong muốn của người dân, còn theo ý kiến của cơ quan chuyên môn, công tác dự báo hiện vẫn chưa thể đáp ứng được về thời gian dự báo, đủ đảm bảo cho người dân đưa ra các phương án phòng tránh thiệt hại. Nguyên nhân là do tình hình thời tiết ngày càng phức tạp.
Việc dự báo cũng chỉ có thể đưa ra những thông tin cảnh báo chung. Do vậy, ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân cần có phương án để chủ động trong hoạt động sản xuất, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, trước những diễn biến phức tạp của thiên tai.
Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh BR-VT cho biết, hiện nay mới chỉ dự báo xu thế mưa lớn, mưa vừa, mưa to, dự báo xu thế cho khu vực tỉnh thôi. Nếu dự báo điểm thì chúng ta phải coi bản tin dự báo ngày, dự báo cực ngắn, diễn biến thời tiết liên tục phức tạp nên phải coi bản tin cực ngắn để biết chúng tôi cảnh báo mưa dông lớn ở những điểm nào trong thời gian từ 3-6 tiếng.
Hiện nay, trong đất liền - cả tỉnh BR-VT chỉ có một trạm khí tượng ở TP Vũng Tàu, trong khi với khoảng cách dự báo thời tiết chỉ cho phép 30km và tối đa là 50km. Đây cũng là một khó khăn rất lớn đối với công tác dự báo thời tiết trên địa bàn tỉnh.
Do vậy, bên cạnh việc các đài cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ thì người dân cũng cần phải chủ động trong việc đưa ra các phương thức sản xuất phù hợp trước mỗi mùa vụ, nhất là mùa mưa bão; chủ động các phương án để phòng tránh thiệt hại.