Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ:

Người chiến sỹ cộng sản kiên trung, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 04/11/2019, 07:58
Đồng chí Hoàng Văn Thụ, người chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Lạng Sơn. 


Tên tuổi, hình ảnh của đồng chí Hoàng Văn Thụ đã trở thành niềm tự hào, là động lực, niềm tin cổ vũ nhân dân ta, đặc biệt là nhân dân Lạng Sơn vững bước đi lên trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (1909-2019), các chuyên gia, học giả của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, quê hương đồng chí Hoàng Văn Thụ đã nêu bật những đóng góp của đồng chí Hoàng Văn Thụ trong công cuộc xây dựng phong trào cách mạng ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tấm gương người cộng sản mẫu mực và là người con ưu tú của quê hương Lạng Sơn.

Nói về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Tiến sỹ Đặng Văn Thái (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đánh giá, đồng chí Hoàng Văn Thụ là tấm gương sáng của một nhà lãnh đạo, một người cộng sản mẫu mực suốt đời trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân, của dân tộc lên trên hết. Tên tuổi của đồng chí Hoàng Văn Thụ gắn liền với sự nghiệp đấu tranh của Đảng và dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.

Cán bộ phụ trách Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ giới thiệu về nguồn gốc, ý nghĩa của các hiện vật cho các em học sinh. Ảnh: baolangson.vn

Đồng chí Hoàng Văn Thụ, dân tộc Tày, sinh ngày 4-11-1909 tại làng Phạn Lạc, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn (nay là xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Từ nhỏ, Hoàng Văn Thụ đã được gia đình cho học cả chữ Hán và chữ quốc ngữ, từ đó có điều kiện tiếp xúc với những người bạn cùng chí hướng như Hoàng Đình Giong, Lương Văn Tri và sớm tham gia phong trào yêu nước. Đồng chí đã tham gia phong trào đấu tranh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu, truy điệu chí sỹ Phan Chu Trinh và thành lập nhóm thanh niên yêu nước ở Lạng Sơn.

Tháng 2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, đồng chí Hoàng Văn Thụ chính thức trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng. Sau khi trở thành đảng viên, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã không quản khó khăn, gian khổ, tích cực tuyên truyền vận động xây dựng tổ chức cơ sở cách mạng của Đảng.

Đồng chí là người có nhiều đóng góp trong quá trình phát triển phong trào cách mạng ở ba tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ, phụ trách Thành ủy Hà Nội. Tháng 9-1940, khi phát xít Nhật chiếm Việt Nam, nhân dân Việt Nam cùng một lúc chịu cảnh một cổ hai tròng, đồng chí Hoàng Văn Thụ và các chiến sỹ cách mạng tiến hành đẩy mạnh phong trào chống phát xít Nhật - thực dân Pháp, đồng thời chỉ đạo công tác vận động tập hợp lực lượng cách mạng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

Không quản ngại khó khăn, nguy hiểm trước sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù, với bí danh là "Giáo", đồng chí Hoàng Văn Thụ đã len lỏi tới các cơ sở quần chúng trong các thành phố, đặc biệt là Hà Nội, vận động, tuyên truyền, giác ngộ anh chị em công nhân, binh lính yêu nước, từng bước xây dựng các cơ sở cách mạng ở nhiều nơi.

Đến năm 1943, nhiều cơ sở chi hội công vận, binh vận đã được hình thành vững chắc ở các địa bàn quan trọng. Tuy nhiên trong một đợt vây ráp, tháng 8-1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã bị mật thám Pháp bắt tại một cơ sở binh vận ở Hà Nội.

Biết Hoàng Văn Thụ là một cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Đông Dương, mật thám Pháp đã dùng mọi thủ đoạn xảo quyệt dụ dỗ, mua chuộc hòng làm lung lạc tinh thần của đồng chí. Tuy nhiên, đồng chí vẫn vững vàng trả lời kẻ địch một cách đầy lý lẽ và cương quyết: "Chúng tôi là những người cộng sản. Chúng tôi có đường lối, chủ trương rất rõ rệt.

Chúng tôi chống phát xít Nhật cũng như nhân dân Pháp chống phát xít Đức. Nếu các ông tử tế thì nên chống phát xít Nhật và không nên đàn áp những người cộng sản". Dụ dỗ, tra tấn cực hình không khuất phục nổi đồng chí Hoàng Văn Thụ, cuối tháng Giêng năm 1944, thực dân Pháp mở phiên tòa đưa Hoàng Văn Thụ ra xét xử.

Tại tòa, khi bị kết án tử hình, đồng chí đã hướng về phía các đồng chí mình dự phiên tòa nói to: "Các đồng chí cần luôn luôn nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh bền bỉ để thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, tiêu diệt bè lũ phát xít Nhật-Pháp...

Tuy tôi không còn được cùng các đồng chí tiến hành hoàn thành công cuộc cách mạng của Đảng, nhưng tôi vẫn có thể chết với một tâm hồn nhẹ nhàng của người đã làm tròn nhiệm vụ. Phải vì cách mạng mà chết thì tôi cũng rất vui lòng".

Sáng 24-5-1944, thực dân Pháp mang Hoàng Văn Thụ ra xử bắn. Khi giám thị hỏi có cần bịt mắt hay không, đồng chí ung dung trả lời không cần. Hình ảnh hiên ngang, bất khuất của đồng chí Hoàng Văn Thụ trước pháp trường làm cho kẻ thù khiếp sợ, là bản hùng ca về bản lĩnh, khí tiết và ý chí của người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất.

Đánh giá về tấm gương kiên trung Hoàng Văn Thụ, Tiến sỹ Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, khẳng định, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tấm gương kiên trung, bất khuất của chiến sỹ cộng sản Hoàng Văn Thụ, người con ưu tú của quê hương Lạng Sơn là di sản tinh thần quý giá, là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao đối với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Thu Phương (TTXVN)
.
.
.