Nghiên cứu xây dựng Quỹ vaccine ngừa COVID-19

Thứ Ba, 25/05/2021, 09:01
Chiều 24/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh dịch COVID-19 đã lây lan nhanh, nhất là tại một số khu công nghiệp.

Dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Công Thương, Tài chính, Giao thông Vận tải.

Báo cáo tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tính từ ngày 27/4 đến 12h ngày 24/5, Việt Nam ghi nhận 2.456 trường hợp mắc mới COVID-19, trong đó 2.253 ca được ghi nhận trong nước; có 8 trường hợp tử vong; có 97 tngười đã được chữa khỏi... Đợt dịch thứ 4 này đã xảy ra tại 30 tỉnh, thành phố, trong đó các địa phương có nhiều người nhiễm dịch là Bắc Giang với 980 trường hợp; Bắc Ninh - 474 trường hợp; Đà Nẵng - 152 trường hợp; Hà Nội - 135 trường hợp và Vĩnh Phúc - 89 trường hợp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Đáng lưu ý, các trường hợp mắc mới COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 này phần lớn có liên quan đến các khu công nghiệp với số lượng công nhân lớn, mật độ đông, tần suất giao lưu, đi lại cao, môi trường làm việc, sinh hoạt có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh; xuất hiện nhiều biến chủng của SARS-CoV-2, bao gồm các biến chủng ở Anh, Ấn Độ...

Như vậy, đợt dịch lần thứ 4 có diễn biến phức tạp hơn và khả năng sẽ kéo dài hơn các đợt dịch trước. Mặc dù vậy, đợt dịch này vẫn đang được kiểm soát do hầu hết các trường hợp mắc mới đã xác định được nguồn lây và là các trường hợp đã được cách ly từ trước hoặc được phát hiện trong khu vực phong tỏa. Dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát tại hầu hết các địa phương.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu kết luận hội nghị.

Thủ tướng nhận định: Trong tuần qua dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Với các biến chủng mới của SARS-CoV-2, dịch lây lan nhanh, khó kiểm soát, lại lây lan trên diện rộng, đặc biệt là tại các khu công nghiệp. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chỉ đạo quyết liệt, được các cấp ủy, chính quyền và người dân vào cuộc mạnh mẽ, với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội để có tiềm lực cho phát triển và phòng, chống dịch trong thời gian tới, đồng thời bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội.

Do đó, dịch COVID-19 vẫn đang được kiểm soát. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã góp phần bảo vệ, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Điều này khẳng định Việt Nam đang đi đúng hướng, có cách làm phù hợp với điều kiện, tình hình dịch bệnh hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ biểu dương các bộ, ngành đã quyết liệt, tích cực, phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp, nhất là đối với lực lượng trên tuyến đầu chống dịch như: Y tế, Quân đội, Công an, ngoại giao, giao thông vận tải, tài chính và các thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng như 6 địa phương sau 14 ngày không có người nhiễm mới COVID-19.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua cũng bộc lộ một số khó khăn như: có những địa phương còn lúng túng trong công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp; có địa phương, đơn vị chưa chuẩn bị đủ điều kiện phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ; việc quản lý cách ly và sau cách ly vẫn còn thiếu chặt chẽ; một số văn bản quy định, hướng dẫn còn bất cập so với thực tiễn, yêu cầu chống dịch trong tình hình mới; có địa phương chưa linh hoạt, sáng tạo trong phòng, chống dịch...

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, dịch COVID-19 tiếp tục khó lường, khó kiểm soát, nhất là diễn biến dịch tại các khu công nghiệp, nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống xã hội. Do đó, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương phải có quyết tâm cao hơn, nỗ lực cao hơn để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả hơn.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung thực hiện một số công việc như: khẩn trương sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về những việc đã làm được, những khó khăn cần tháo gỡ; bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch, đảm bảo thực hiện thành công 2 mục tiêu “vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả”.

Ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả chiến lược vaccine ngừa COVID-19 gồm: nhanh chóng tiếp cận các nguồn để mua vaccine; chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine; có kế hoạch tiêm vaccine phù hợp theo từng giai đoạn, đối tượng ưu tiên; chi tiêu hợp lý để dành ngân sách phù hợp cho chiến lược vaccine; nghiên cứu xây dựng quỹ vaccine để huy động các nguồn xã hội hóa cho chiến lược vaccine, trong đó phải công khai, minh bạch, khách quan cả hình thức, quyên góp, ủng hộ và sử dụng quỹ này.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện phân cấp mạnh mẽ, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong phòng, chống dịch COVID-19; tập trung kiểm soát tốt tình hình tại các khu công nghiệp; rà soát các quy trình, quy chế về khai báo, cách ly, tổ chức sản xuất tại các khu công nghiệp; các bộ, ngành, địa phương rà soát, bổ sung các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp để tháo gỡ khó khăn, phòng chống dịch hiệu quả.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 có trách nhiệm tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy định về phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo sản xuất không bị đứt gãy trong các khu công nghiệp.

Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng quy trình luân chuyển hàng hóa, có giải pháp cụ thể để lưu thông hàng hóa phù hợp, hiệu quả.

Các ngành, địa phương cần phối hợp kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập cảnh, cư trú bất hợp pháp; thông tin, truyền thông kịp thời, chính xác, truyền cảm hứng cho người dân để tham gia phòng, chống dịch hiệu quả; huy động sự vào cuộc và đóng góp của nhân dân trong phòng, chống dịch trên tinh thần “dân biết, dân làm, dân thụ hưởng”; các bộ, ngành, địa phương cần năng động, sáng tạo hơn nữa, căn cứ tình hình thực tiễn quyết định các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả... 

Phạm Tiếp
.
.
.