Ngành Tài chính, Ngân hàng cần sự bứt phá trong năm 2019
- Ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ bứt phá như thế nào trong năm 2019?
- Tăng trưởng kinh tế ngoạn mục hy vọng vào một năm mới bứt phá
Phấn đấu tăng thu ngân sách năm 2019 trên 1,45 triệu tỷ
Năm 2018, mặc dù có những khó khăn nhưng công tác thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của ngành Tài chính vẫn ước đạt 1.422,7 nghìn tỷ đồng, vượt 103,5 nghìn tỷ đồng (+7,8%) so dự toán, tăng 64,3 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội, tỷ lệ động viên đạt 25,7% GDP, riêng thuế và phí đạt 21,1% GDP (mục tiêu giai đoạn 2016-2020 tương ứng là 23,5% GDP và 21% GDP). Bội chi NSNN năm 2018 ước dưới 3,6% GDP thực hiện (dự toán 3,7% GDP); nợ công dưới 61% GDP. Công tác quản lý nợ công có tiến bộ, thời hạn khoản vay được kéo dài, lãi suất theo xu hướng hạ thấp, hạn chế tác động của các rủi ro.
Cùng với đó, trong công tác cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, Bộ Tài chính đã hoàn thành 85/85 nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch năm 2018. Bãi bỏ 18 thủ tục hành chính trong tổng số 166 thủ tục cần rà soát bãi bỏ (chiếm 10,8%) và đơn giản hoá đối với 111 thủ tục trong tổng số 139 thủ tục cần rà soát đơn giản hóa (chiếm 79,9%); thực hiện cắt giảm và đơn giản hóa 117/190 điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý (đạt 61,6%)…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng với kết quả ngành Tài chính cả nước. “Năm nay các đồng chí hoàn thành vượt mức mọi mặt công tác của Đảng, Nhà nước giao trong đó thu ngân sách vượt tới 7,8% dự toán. Các mặt công tác các đồng chí đều tiến bộ. Lần đầu tiên thu ngân sách trung ương vượt 4,3%, địa phương vượt 12,5% dự toán.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói chuyện với các đại biểu. Ảnh: TTXVN. |
Từ chỗ vay ngân hàng để chi các khoản thì vài năm gần đây thặng dư ngân sách. Đó là đáng mừng cho quốc gia gần 100 triệu dân”, Thủ tướng nói. Không chỉ chúng ta đạt GDP 7,08% mà quy mô nền kinh tế đạt trên 5,5 triệu tỷ, cao nhất trong trên 1 thập niên qua. Bình quân đầu người đạt 2.600 USD, chất lượng tăng trưởng được nâng lên.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra 4 vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là một số mặt chuyển biến chậm thiếu đồng bộ, chính sách không ổn định, hay sửa đổi gây khó cho người dân và DN. Cùng với đó, điểm nghẽn lớn cho sự phát triển của DNNVV, hộ cá thể chuyển lên DN. Tồn tại nữa là vi phạm chế độ thu chi còn xảy ra nhiều cơ quan đơn vị, lãng phí quản lý tài sản công, tổ chức hội nghị hội thảo đi công tác nước ngoài; giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm.
Đạo đức nghề nghiệp văn hoá ứng xử, thái độ phục vụ 1 bộ phận công chức còn hạn chế, còn tiêu cực nhũng nhiễu ở bộ phận cán bộ thuế, hải quan. Còn tình trạng trên nóng dưới lạnh, tham nhũng vặt, chi phí không chính thức… “Đề nghị năm 2019, ngành Tài chính phải có sự bứt phá, cao hơn 2018, phấn đấu tăng thu ngân sách cao hơn 2018, tổng thu trên 1,45 triệu tỷ”, Thủ tướng chỉ đạo.
Tín dụng ngân hàng cần đẩy lùi tín dụng đen
Cũng trong ngày 9-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019. Cùng tham dự có Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lào, lãnh đạo NHNN và lãnh đạo các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của ngành trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt vai trò trong kiểm soát lạm phát ở 3,54% năm 2018.
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, chặt chẽ, bản lĩnh, phối hợp tốt với chính sách tài khóa, tạo thuận lợi cho các chính sách khác phát huy tác dụng. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt trên 60 tỷ USD. Đây chính là bài học kinh nghiệm cần rút ra đối với điều hành chính sách tiền tệ năm 2019.
Thủ tướng đánh giá các tổ chức tín dụng ổn định, an toàn hơn, năng lực quản trị điều hành được nâng cao, tiệm cận quy định quốc tế. Nhiều ngân hàng yếu kém đã vươn lên và có lợi nhuận.Tín dụng với các lĩnh vực rủi ro cao được kiểm soát tốt hơn. Cơ cấu lại hệ thống tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực, giúp “cục máu đông” nợ xấu tan dần, tác động tích cực đến nền kinh tế.
Thủ tướng lưu ý thêm việc cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng còn chậm so với yêu cầu, một số ngân hàng gặp khó khăn. Công tác kiểm soát nội bộ, thanh tra cần kịp thời hơn và phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng gần đây đã được chấn chỉnh. Trong năm 2019, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam cần tăng trưởng và phát triển cao trong thời gian tới để nâng cao đời sống của người dân.
Thủ tướng yêu cầu NHNN cũng phải có tinh thần “bứt phá” như phương châm của Chính phủ trong năm 2019. Đặc biệt, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho ngành là phải phối hợp chặt chẽ với các ngành để đẩy lùi “tín dụng đen". “Các đơn vị có nhiều công lao xoá đói giảm nghèo nhưng vẫn để “tín dụng đen" bủa vây người yếu thế như vậy là cần xem lại. Quyền lợi được tiếp cận vốn của người dân yếu thế đáng lo hơn là hiệu quả kinh doanh”, Thủ tướng nói.
4 ngân hàng lớn cam kết hạ lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019 diễn ra vào sáng 9-1, tại Hà Nội, bốn ngân hàng thương mại Nhà nước cho biết sẽ giảm lãi suất để hỗ trợ các DN vay vốn Việt Nam đồng (VND) thuộc lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN bắt đầu từ hôm nay, 10-1. Theo đó, các ngân hàng cam kết sẽ giảm là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank). Cụ thể, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Agribank sẽ thực hiện giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay đối với 5 đối tượng ưu tiên theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 (bao gồm cả cho vay trung và dài hạn). Việc giảm lãi suất cho vay sẽ làm giảm lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng đối với Ngân hàng Agribank. Tương tự, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Ngân hàng VietinBank cũng cho biết, với mức giảm 0,5% lãi suất, ngân hàng này sẽ giảm lợi nhuận khoảng 700 tỷ đồng. Cùng với 2 nhà băng nói trên, đại diện Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cũng cho biết các khoản vay ngắn hạn tại Vietcombank sẽ được giảm lãi suất thấp hơn 0,5% với mức quy định trần của NHNN cho 5 lĩnh vực ưu tiên. |