Nhiều "bã" dược liệu được nhập về Việt Nam

Thứ Sáu, 25/03/2016, 10:32
Dược liệu của ta chủ yếu là các loại đã được chiết xuất ở nước ngoài, sau đó bán “bã” vào Việt Nam với giá rất rẻ, bằng 1/3, 1/4 đối với giá dược liệu sản xuất trong nước....


* Đề xuất cấp chứng chỉ hành nghề y, dược 5 năm/lần

Hôm nay, 25-3, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dược (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp này, đa phần các đại biểu kiến nghị chỉ nên cấp chứng chỉ hành nghề dược 1 lần vĩnh viễn để tránh phiền hà và thủ tục hành chính cho người được cấp.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Tiên cho rằng nếu Quốc hội mạnh dạn thì nên quy định thêm việc cấp chứng chỉ 5 năm một lần và hạn chế tiêu cực thông qua việc làm thủ tục qua mạng. “Thế giới không ai công nhận chứng chỉ của chúng ta. Và nếu chỉ vì ngại thủ tục hành chính mà bỏ qua quản lý về chuyên môn thì chết dân” – đại biểu bày tỏ.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên bên lề Quốc hội.

Đại biểu cho rằng ở thời điểm hiện tại, các luật xây dựng phải tính đến việc hội nhập của Việt Nam và phải đảm bảo các chuẩn mực quốc tế. “Việc cấp chứng chỉ thì hiện nay nhân dân cũng như các Đại biểu Quốc hội rất bức xúc về thủ tục hành chính.

Nhưng tôi vẫn cho rằng cấp chứng chỉ cả y lẫn dược, nên đề xuất 5 năm/lần cho phù hợp với thế giới. Không thể chỉ vì thủ tục hành chính gây bức xúc mà không muốn tuân theo chuẩn mực của thế giới. Có một sự thật là chứng chỉ của chúng ta ra thế giới không ai công nhân cả, kể cả các nước ASEAN.

Người ta phải thi mới có chứng chỉ, đây ở ta “automatic” là được cấp (nhưng với giấy tờ rất rườm rà, phức tạp về thủ tục nhưng lại không đảm bảo kiểm soát chuyên môn).

Do đó, tôi đề nghị chúng ta nên giao cho Chính phủ quy định việc cấp chứng chỉ 5 năm/lần đối với những ai ra làm việc quốc tế. Nếu có điều kiện thì ta quy định lộ trình, sau 5 – 10 năm nữa cấp theo cách đó và nguyên tắc là tất cả thủ tục làm qua mạng, không giao tiếp trực tiếo để triệt tiêu thủ tục hành chính, giảm tiêu cực. Các nhà chuyên môn họ rất muốn tổ chức cấp theo kiểu đó thì mới có chất lượng.

* Nhiều "bã" dược liệu được nhập về Việt Nam

Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ sự băn khoăn về việc dược liệu giá rẻ nhập khẩu vào Việt Nam không kiểm tra được về chất lượng.

“Hiện nay dược liệu đa số là nhập nước ngoài và trình độ của chúng ta không có khả năng kiểm soát về chất lượng, về tiêu chuẩn dược liệu. Có đại biểu đề nghị cứ ban hành tiêu chuẩn chất lượng rồi trang bị phương tiện kỹ thuật để kiểm tra, nhưng cái đó là rất khó khăn. Nên dược liệu của ta chủ yếu là các loại đã được chiết xuất ở nước ngoài, sau đó bán “bã” vào Việt Nam với giá rất rẻ, bằng 1/3, 1/4 đối với giá dược liệu sản xuất trong nước.

Nếu ta tuân theo Luật Đấu thầu thì dược liệu cổ truyền của ta sẽ chịu thua, người bệnh cũng thua, bởi uống toàn thuốc bã làm sao mà khỏi được” – đại biểu bày tỏ.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội

Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Tiên đề xuất đối với dược liệu trong nước đề nghị chỉ định thầu để lợi cho cả bệnh nhân, nông dân, và đất nước.

Liên quan đến một vấn đề rất gây bức xúc là việc đấu thầu rất đúng luật nhưng giá thuốc trúng thầu mỗi bệnh viện một khác, nơi một đồng, nơi đồng rưỡi, gây thiệt hại cho người bệnh.

“Hiện nay chúng ta mới quy định Bộ Y tế công bố giá thuốc trúng thầu theo số liệu Bảo hiểm Xã hội cung cấp. Nhưng theo luật đấu thầu thì mọi chuyện xong phải chấp hành dù nó giá cao hay thấp, trừ khi phát hiện vi phạm thì cơ quan công an mới vào. Nhưng 2 địa phương liền nhau, cùng một loại thuốc, nơi này 1 đồng, nơi kia đồng rưỡi, dù tuân thủ luật đấu thầu, lý thì rất đúng, tình thì rất gian. 

Do đó tôi đề nghị nên giao cho Chính phủ nếu thấy có chênh lệch bất hợp lý trong giá thuốc được công bố thì Chính phủ điều chỉnh cho hợp lý, có thể yêu cầu đàm phán lại với nhà cung cấp chẳng hạn. Không thể đầu hàng giá thuốc cao bất hợp lý như thế chỉ vì vướng quy định được”.

Ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Tiên cũng được đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP. Hồ Chí Minh) hết sức tán thành và đề nghị Quốc hội lưu ý xem xét để chỉnh sửa quy định cho hợp lý. 

Vũ Hân
.
.
.