Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Thứ Năm, 26/10/2017, 18:21
Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, chiều 26-10, Chính phủ trình Quốc hội Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật này.

Tờ trình của Chính phủ do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (Luật Cơ quan đại diện) nêu rõ, sau 7 năm thi hành, Luật Cơ quan đại diện bộc lộ nhiều hạn chế.

Cụ thể, Luật chưa thể chế hóa quy định mới của Hiến pháp năm 2013; chưa quy định các tiêu chuẩn bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền; một số quy định của Luật không còn tương thích với pháp luật hiện hành, không phù hợp với tình hình thực tế… Vì thế, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện là cần thiết. 

Với quan điểm bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại; khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành đồng thời phù hợp với luật pháp quốc tế, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số khoản tại 11 trong tổng số 36 điều của Luật Cơ quan đại diện, bãi bỏ 1 khoản.

Đa số các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện và nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung nhằm triển khai thực hiện định hướng chiến lược của Đảng; cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp 2013, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong giai đoạn mới.

Về tiêu chuẩn của thành viên cơ quan đại diện và tiêu chuẩn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đa số ý kiến nhất trí với quy định tại dự thảo Luật. Theo đó, thành viên cơ quan đại diện là cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật; có đủ tiêu chuẩn, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu công tác, đáp ứng quy định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trên cơ sở đề án tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Riêng Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn trên, còn có các tiêu chuẩn riêng về phẩm chất chính trị, đạo đức; về trình độ; về năng lực kinh nghiệm; về sức khỏe, độ tuổi…

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình Dự án Luật Cơ quan đại diện sửa đổi.

Các ý kiến cũng tập trung thảo luận quy định và quản lý chặt chẽ việc kéo dài nhiệm kỳ Đại sứ, cần khắc phục việc Đại sứ đương nhiệm kéo dài thời gian công tác khi đã kết thúc nhiệm kỳ vì lý do Đại sứ mới chưa làm xong thủ tục nội bộ hoặc chưa có chấp thuận của nước sở tại đối với Đại sứ nhiệm kỳ mới.

Về tuổi bổ nhiệm Đại sứ, dự thảo Luật quy định Đại sứ phải trong độ tuổi đủ để hoàn thành ít nhất một nhiệm kỳ công tác, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ. Các đại biểu cho rằng, do yêu cầu của công tác chính trị, đối ngoại và phù hợp thực tiễn về tuổi bổ nhiệm Đại sứ của nhiều nước trên thế giới nên cho phép bổ nhiệm Đại sứ đối với một số trường hợp đặc biệt không đủ độ tuổi đảm bảo trọn nhiệm kỳ công tác (36 tháng) nhưng có kinh nghiệm hoạt động đối ngoại lâu năm, có uy tín trong ngành ngoại giao, đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ Đại sứ tại một số địa bàn chiến lược và trong lúc chưa có người thích hợp để tiến cử làm Đại sứ.

Các đại biểu lưu ý, vấn đề này phải được luật hóa cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn nhằm tránh áp dụng đại trà và phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan có thẩm quyền.

P.A.
.
.
.