Nam Định: Về đích xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm, 19/09/2019, 07:09
Thời điểm cuối năm 2018, toàn tỉnh Nam Định có 209/209 xã (100% số xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến tháng 7- 2019 có 10/10 huyện, thành phố được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới.

Nhiều vùng quê “thay da đổi thịt” nhờ chương trình nông thôn mới, kinh tế xã hội có nhiều chuyển biến rõ nét. Nhiều cách làm hay được áp dụng, để đến nay Nam Định đã đạt được những dấu ấn tích cực và về đích sớm hơn rất nhiều so với dự kiến, trở thành tỉnh dẫ đầu cả nước xây dựng nông thôn mới.

Thay đổi từ vùng quê “chân sóng”

Xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy là một trong số các xã đã có bước “nước rút” ngoạn mục để hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đến Hồng Thuận vào thời điểm này, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay vượt bậc ở vùng quê này. Nhờ phát huy tốt nội lực, sự đồng thuận trong nhân dân, Hồng Thuận đã tạo đột phá trong giai đoạn “nước rút”, trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

Chia sẻ về công cuộc xây dựng nông thôn mới, ông Phạm Xuân Phó, Chủ tịch UBND xã Hồng Thuận cho biết, đầu năm 2017, địa phương mới chỉ đạt 13/19 tiêu chí, tiêu chí đặc biệt khó khăn rất khó có thể thực hiện đó là cơ sở vật chất văn hóa. Qua rà soát, phân tích kỹ thực tế, xã đã tập trung chỉ đạo các xóm khẩn trương họp bàn, ra nghị quyết để triển khai thực hiện. Trong đó, cùng với sự đóng góp của cán bộ, nhân dân, vận động con em quê hương ở khắp nơi đã thành đạt có khả năng tài chính đóng góp để xây dựng công trình nhà văn hóa và các tuyến đường trong thôn xóm. Xã cũng trích ngân sách ủng hộ mỗi xóm xây dựng nhà văn hóa 100 triệu đồng.

Nông thôn mới đã thực sự làm “thay da đổi thịt” vùng quê chân sóng này. Cách đây chưa lâu, xã Giao Thiện vẫn là một trong những xã vùng “trũng”, xa trung tâm huyện. Với dân số đông, đất đai giáp biển, chua mặn, không màu mỡ nên sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân Giao Thiện gặp rất nhiều khó khăn. 

Thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, xã chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, hình thành các liên kết sản xuất, xây dựng “cánh đồng lớn” trong trồng lúa nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; đồng thời phát huy lợi thế, tiềm năng của xã ven biển, trong đó tập trung vào “mũi nhọn” là khai thác, nuôi trồng thủy hải sản. Do vậy đời sống người dân nơi đây ngày càng trở nên khá giả. Nếu như năm 2015, mức thu nhập bình quân đầu người của Giao Thiện là 20 triệu đồng/người/năm, thì năm 2017 tăng lên gấp đôi. 

Từ mức thu nhập tăng lên, nhiều ngôi nhà cao tầng trong khu dân cư mọc lên san sát. Các công trình phúc lợi của xã: trường học, trạm y tế, nghĩa trang liệt sĩ, nhà văn hóa phục vụ cho các hoạt động cộng đồng… được đầu tư xây sửa khang trang, đẹp đẽ, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới ở “vùng chân sóng”.

Theo báo cáo của UBND huyện Giao Thủy, tổng kinh phí huy động từ các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới của huyện là 2.159,175 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 48,824 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 169,734 tỷ đồng; ngân sách huyện 2,9 tỷ đồng; ngân sách xã 348,087 tỷ đồng; vốn huy động từ các doanh nghiệp 35,537 tỷ đồng; vốn đóng góp của cộng đồng dân cư 407,231 tỷ đồng… 

Trong 7 năm xây dựng nông thôn mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được nâng cấp đã làm thay đổi cơ bản cảnh quan môi trường, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đồng thời tạo cơ sở để Giao Thủy phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Nhiều vùng quê thuần nông đã thay da đổi thịt nhờ xây dựng nông thôn mới ở Nam Định.

Tỉnh dẫn đầu xây dựng nông thôn mới

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, tháng 7- 2019 có 10/10 huyện, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đã về đích nông thôn mới. Cùng với Đồng Nai, Nam Định là một trong hai tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. 

Nông thôn mới đã thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển mạnh thời gian qua. Theo đó, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thu hút đầu tư vào địa bàn nông thôn đạt kết quả tốt, góp phần tích cực tạo thêm nhiều sinh kế mới, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Thu nhập của người dân ở nông thôn năm 2018 tăng hơn 3,5 lần so với năm 2010. 

Cơ cấu thu nhập của các hộ dân ở nông thôn có sự thay đổi đáng kể, hộ có thu nhập chính ngoài nông nghiệp chiếm trên 80%. Mức sống của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm còn 1,35 lần; đến nay tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 2%.

Nói về kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho rằng, điều cốt lõi nhất là phải biết dựa vào sức dân, khơi dậy và phát huy vai trò chủ thể của người dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, với quan điểm: xây dựng nông thôn mới chính là làm cho người dân và vì người dân nông thôn; Cộng đồng dân cư được xác định vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, cũng vừa là đối tượng được thụ hưởng khi xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Dân cần - dân biết - dân bàn - dân làm - dân giám sát - dân hưởng thụ”; phát động rộng khắp phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. 

Từ đó thu hút được sự hưởng ứng, tích cực tham gia của người dân, phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, sự đóng góp công sức, trí tuệ, sáng kiến, sáng tạo và nguồn lực của xã hội để thực hiện Chương trình. “Trong triển khai thực hiện luôn coi trọng tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm; phát hiện khâu đột phá, khuyến khích cách làm hay, sáng tạo ở địa phương, cơ sở. 

Bên cạnh đó, khuyến khích xã hội hóa các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; kêu gọi người con quê hương Nam Định trong và ngoài nước cùng chung tay xây dựng nông thôn mới tại quê hương. Vì nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước chắc chắn sẽ không hoàn thành được mục tiêu. Xây dựng nông thôn mới trước hết phải xuất phát từ việc khai thác nội lực, từ chính cộng đồng dân cư, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước”, ông Phạm Đình Nghị cho biết.

Phan Hoạt
.
.
.