Xử lí dioxin tại sân bay Phù Cát và Biên Hòa: Mới chỉ chôn lấp vì thiếu tiền

Thứ Hai, 08/08/2016, 16:30
Đến năm 2018, việc xử lí dioxin tại sân bay Đà Nẵng sẽ hoàn thành triệt để. Với hai điểm nóng còn lại là sân bay Phù Cát và sân bay Biên Hoà, việc xử lí mới chỉ dừng lại ở chôn lấp, cô lập, chưa thể tiến hành triệt để do thiếu nguồn lực tài chính.



Những thông tin trên được đưa ra tại hội thảo quốc tế "Đánh giá tác hại của chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam" được tổ chức ngày 8-8. 

Chỉ trong vòng 10 năm (1961-1971), quân đội Mỹ đã phun rải gần 80 triệu lít chất độc hoá học xuống Việt Nam, trong đó 61% là chất da cam. Khi tiến hành khảo sát tại Việt Nam, công ty tư vấn môi trường Hetfield (Canada) đã nhận định có tất cả 28 điểm nóng về dioxin, trong đó 3 điểm nặng nhất là sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hoà và sân bay Phù Cát.

Tại đây, nồng độ dioxin vượt quá nhiều lần tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam và quốc tế. Sau nhiều năm, các chất độc đã và đang lan toả, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ con người và môi trường sinh thái trong khu vực.

Chuyên gia Mỹ hỗ trợ xử lí dioxin tại sân bay Đà Nẵng

Đối với sân bay Đà Nẵng, khu vực ô nhiễm chủ yếu nằm ở phía Bắc sân bay. Bộ Tư lệnh hoá học đã bê tông hoá bề mặt gần 7ha khu đất bị ô nhiễm nặng, tiến hành khoanh vùng, hạn chế lan toả ra khu vực xung quanh.

Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ cũng đã phối hợp xử lí dioxin tại sân bay Đà Nẵng bằng nuồn kinh phí của Chính phủ Mỹ. Theo ước tính ban đầu, có khoảng 73.000m3 đất, bùn nhiễm dioxin vượt quá tiêu chuẩn cho phép sẽ được tập kết trong các mố để xử lí nhiệt và hoàn thành trong năm 2016.

Tuy nhiên, khi triển khai, trên thực tế có khoảng gần 90.000m3 đất và trầm tích nhiễm dioxin cần phải xử lí. Ngoài ra còn có 50.000m3 đất và bùn cần phải cô lập mặc dù có nồng độ dioxin dưới ngưỡng cho phép.

Đến nay, khoảng 45.000m3 đất, bùn nhiễm dioxin đã được xử lí triệt để bằng công nghệ giải hấp nhiệt. Giai đoạn 2 của dự án đang được triển khai. Có khoảng 45.000m3 đất, bùn nhiễm dioxin đã được đào xúc, làm khô và vận chuyển vào mố, chuẩn bị cho việc xử lí nhiệt, dự kiến hoàn thành vào năm 2018.

Tại sân bay Biên Hoà, khối lượng đất nhiễm dioxin lên tới gần 500.000m3, với nhiều điểm nồng độ cao, tính chất phức tạp. Theo đánh giá của các tổ chức trong nước và quốc tế, đây là điểm nóng nhất về dioxin tại Việt Nam.

Theo điều tra ban đầu, khu Nam sây bay (1,2 ha) và khu Tây Nam (7,5 ha) có nồng độ dioxin vượt ngưỡng nhiều lần mức cho phép. Sau quá trình lan toả, 4 hồ trong sân bay Biên Hoà và cả hồ Biên Hùng (cách sân bay 1 km) cũng có dấu hiệu ô nhiễm dioxin.

Xây tường bao để cô lập dioxin tại sân bay Biên Hoà 

Trong giai đoạn 2007-2010, Bộ Tư lệnh hoá học đã triển khai chôn lấp, cô lập gần 100.000m3 đất nhiễm dioxin bằng phương pháp phân huỷ sinh học. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2013-2016, gần 50.000m3 đất nhiễm dioxin cũng đã được thu gom và chôn lấp.

Tại sân bay Phù Cát, có hơn 10.000m3 bùn, đất nhiễm dioxin đã được thu gom, cô lập trên diện tích 2,06ha. Trong tương lai, khu chôn lấp cần phải được xử lí triệt để, tránh ô nhiễm về lâu dài. Bộ Quốc phòng đang giao Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga tiến hành quan trắc, kiểm soát nước ngầm hàng năm tại các giếng khoan trong sân bay Phù Cát.

Tính chung, đến tháng 6-2016, Việt Nam đã chôn lấp hơn 160.000m3 đất  nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hoà và Phù Cát. Ngoài ra, 45.000m3 bùn đất tại sân bay Đà Nẵng đã được xử lí triệt để bằng công nghệ xử lí nhiệt.

Đại tá Lâm Vĩnh Ánh – Cục trưởng Cục kĩ thuật (Binh chủng hoá học) cho biết, vấn đề khó khăn nhất của Việt Nam hiện nay là lựa chọn công nghệ nào để xử lí dioxin sao cho hiệu quả, chi phí phù hợp, dễ vận hành và không gây ô nhiễm thứ cấp. Khi chưa lựa chọn được công nghệ xử lí triệt để, việc cô lập, chống lan toả dioxin vẫn chỉ là giải pháp tạm thời.

Việc chôn lấp, cô lập dioxin có thể thực hiện dễ dàng với chi phí khá thấp (từ 30-50 USD/m3), tuy nhiên lại không thể xử lí được triệt để mà chỉ cách ly chất ô nhiễm với môi trường.

Công nghệ giải hấp nhiệt là công nghệ xử lí rất tiên tiến, cho phép xử lí triệt để dioxin trong đất với hiệu suất phân huỷ dioxin có thể đạt 95-99,9%. Tuy nhiên, chi phí để áp dụng công nghệ này rất cao, dao động từ 840-1000 USD/m3, dẫn đến không có nguồn lực tài chính để triển khai.

Binh chủng Hoá học tiến hành xử lí dioxin tại các điểm nóng
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Ở quê tôi, nhiều người lính trở về sau chiến tranh với thân hình không lành lặn, rất nhiều trong số đó bị nhiễm chất độc da cam. Có những gia đình cả 3-4 thế hệ đều bị huỷ hoại bởi chất độc này. Chiến tranh đã kết thúc mấy chục năm nhưng việc khắc phục hậu quả dioxin đối với Việt Nam vẫn rất khó khăn. Những nạn nhân chiến tranh, đặc biệt là những nạn nhân chất độc da cam cần phải được hỗ trợ để đòi lại sự công bằng cho chính mình". 


Ông Nguyễn Văn Rinh – Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam: Cuộc chiến tranh hoá học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã khiến khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, gần 3 triệu người là nạn nhân trực tiếp. Trong số này, hàng trăm nghìn người đã chết. Những nạn nhân còn sống cũng đang phải vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, di chứng chất độc đã truyền sang thế hệ con, cháu, chắt. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 300.000 nạn nhân là con, cháu, chắt của người bị nhiễm trực tiếp. Kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế cũng xác định có gần 200 nhóm bệnh tật do phơi nhiễm chất dioxin như dị dạng, liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, thoát vị não, không có tuỷ sống, teo vận động mạch phổi...



Khánh Vy
.
.
.