Nhà khoa học nữ 12 năm gắn bó với dioxin

Thứ Tư, 09/03/2016, 08:40
Sau hơn 40 năm say mê nghiên cứu, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà đã chủ nhiệm gần 30 đề tài, dự án, nhánh đề tài các cấp; công bố hơn 160 công trình khoa học công nghệ trong và ngoài nước.

Sinh năm 1952, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà từng là Trưởng phòng Công nghệ sinh học môi trường, Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Năm 17 tuổi, cùng với hàng trăm thanh niên tiêu biểu của Việt Nam, bà đã được lựa chọn đi tu nghiệp tại Liên Xô (cũ), chuyên ngành công nghệ sinh học.

Chính những năm tháng học tập và nghiên cứu ở nước ngoài đã giúp bà có những kiến thức nền tảng để sau này áp dụng tại Việt Nam. Sau hơn 40 năm say mê nghiên cứu, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà đã chủ nhiệm gần 30 đề tài, dự án, nhánh đề tài các cấp; công bố hơn 160 công trình khoa học công nghệ trong và ngoài nước.

Trong đó, chuỗi công trình nghiên cứu “Xử lý đất ô nhiễm dioxin bằng phương pháp phân huỷ sinh học” đã được thực hiện trong gần 12 năm, được đánh giá cao cả ở trong nước cũng như quốc tế. Hiện nay, chưa có một công bố nào trên thế giới về khử độc đất nhiễm chất diệt cỏ dioxin có hiệu quả bằng công nghệ sinh học, cũng chưa có công bố nào được thực hiện ở hiện trường qui mô lớn như ở Việt Nam.

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà.

Khi được hỏi vì sao lại lựa chọn lĩnh vực đầy nguy hiểm và độc hại như dioxin để nghiên cứu, bà chỉ cười: “Nó như là số phận vậy. Lúc ở đại học, tôi học về dầu mỏ. Tôi may mắn được tiếp xúc với các giáo sư vĩ đại ở Liên Xô. Năm 1995, tôi về nước, lại vào môi trường nghiên cứu ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Lúc ấy, những kiến thức cao siêu học được ở nước ngoài chưa thể áp dụng ngay tại Việt Nam. Chiến tranh đã kết thúc, nhưng hậu quả nó để lại ở nhiều nơi vẫn rất nặng nề, nhất là dioxin. Tôi chỉ nghĩ mình cần phải làm gì đó để giúp nhân dân mình. Thế là từ năm 1999, tôi và các cộng sự bắt tay vào nghiên cứu phương pháp khử độc dioxin”. Công trình nghiên cứu của bà và các đồng nghiệp đã kéo dài gần 12 năm.

Tháng 7/2010, việc khử độc dioxin đã được thực hiện thành công đối với 2m3 đất tại sân bay Đà Nẵng với 11 công thức khác nhau. Đến tháng 2-2012, việc làm sạch 3.384m3 đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hoà bằng phương pháp phân huỷ sinh học cũng cho kết quả tốt.

Sau 27 tháng xử lý, tổng độ độc trung bình ban đầu từ 10.000ng TEQ/kg đã giảm xuống chỉ còn 52ng TEQ/kg đất khô, hiệu quả loại bỏ dioxin đạt 99,48%. Những thành công này của nhóm nghiên cứu đã mở ra con đường khử độc dioxin với chi phí thấp và phù hợp với điều kiện khoa học và công nghệ của Việt Nam.

Năm 2012, công trình này của bà và các cộng sự đã nhận được Huy chương vàng tại Triển lãm “Các nhà sáng chế nữ quốc tế” tổ chức tại Hàn Quốc. Đồng thời, công trình này cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng độc quyền sáng chế số 10246.

Chặng đường 12 năm nghiên cứu về dioxin đủ dài để không ít lần  bà cảm thấy đuối sức. “Chúng tôi thường xuyên phải có mặt tại các điểm nóng về dioxin để thu thập các thông tin liên quan. Có những ngày chúng tôi phải làm việc ở hiện trường 8-10 giờ trong cái nắng chói chang.

Đôi lúc, tôi cũng yếu đuối, thấy mọi việc quá sức mình. Rồi cô Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - PV) lại động viên: “Con ơi, cố lên”, vậy là tôi lại có thêm động lực. Tôi luôn có niềm tin rất lớn đối với các nhà khoa học Việt Nam.

Họ đều rất tài năng, chỉ cần ngồi chung với nhau là sẽ làm được” – bà kể lại. Khi đã thành công với công trình nghiên cứu của mình, bà mong phương pháp này sẽ được nhân rộng tại các điểm nóng dioxin nhằm làm sạch môi trường. “Đây là công nghệ nội lực của người Việt Nam, rẻ và an toàn. Chúng ta không cần thiết phải nhập các công nghệ đắt tiền trên thế giới, trong khi hiệu quả cũng tương đương” – PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà nhấn mạnh.

Với những thành tích đạt được trong suốt hơn 40 năm nghiên cứu khoa học, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà đã được nhận giải Nhất giải thưởng VIFOTEC 2001, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huy chương vàng và Huy chương bạc “Các nhà sáng chế nữ quốc tế” tổ chức tại Hàn Quốc (2012), Bằng khen của Bộ Khoa học – Công nghệ…

Ngoài ra, PGS.TS Hà còn được cấp 9 bằng sáng chế, 2 bằng giải pháp hữu ích thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, môi trường, nguồn gen di truyền từ thiên nhiên… để tạo ra các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng có khả năng thương mại cao.

Không chỉ thành công trong sự nghiệp, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà còn viên mãn trong hạnh phúc gia đình với 2 người con trai đều thành đạt. Bà bảo, dù thành công đến đâu thì phụ nữ vẫn là phụ nữ, vẫn cần vun vén cho cuộc sống gia đình. Vì vậy, dù công việc nghiên cứu có chiếm phần lớn quỹ thời gian trong ngày, thì bà vẫn luôn sắp xếp để có thể nấu được bữa ăn ngon cho gia đình. Nói về bí quyết giữ gìn hạnh phúc, bà chỉ nhẹ nhàng: “Phụ nữ đừng có hơn thua với chồng. Vợ chồng nên biết nhường nhịn và bao dung với nhau, thì sẽ mãi giữ được ngọn lửa hạnh phúc”.

Ở tuổi 64, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà – người vừa được nhận giải thưởng Kovalevskaia 2015 - vẫn giữ được giọng nói trong trẻo và tinh thần say mê hiếm có đối với khoa học. Ít ai biết, người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé ấy lại đã từng lăn lộn suốt 12 năm tại những điểm nóng về dioxin như Phù Cát, Biên Hoà, Đà Nẵng… để rồi nghiên cứu thành công phương pháp khử độc dioxin gây tiếng vang với cả thế giới.

Khánh Vy
.
.
.