Một số cán bộ không nhận trách nhiệm, không xin lỗi dân khi xảy ra sai phạm

Thứ Ba, 05/11/2019, 15:02

Đại biểu Trần Thị Dung đề cập đến 3 vụ án, vụ việc mới xảy ra gần đây, để lại hậu quả hết sức nặng  nề nhưng các cán bộ có trách nhiệm không nhận trách nhiệm, không xin lỗi dân, thậm chí vô cảm với dân.


Sáng 5-11, thảo luận về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, nhiều tổ chức, cá nhân cần có trách nhiệm hơn với nhân dân trong xã hội thượng tôn pháp luật.

Đại biểu Trần Thị Dung đề cập đến 3 vụ án, vụ việc mới xảy ra gần đây, để lại hậu quả hết sức nặng  nề nhưng các cán bộ có trách nhiệm không nhận trách nhiệm, không xin lỗi dân, thậm chí vô cảm với dân.

Vụ việc thứ nhất,  theo đại biểu Trần Thị Dung đó là vụ việc ba cháu nhỏ đuối nước thương tâm dưới mương nước đào trái phép của Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang. Ngày 24/5/2019, ông hiệu trưởng nhà trường cùng tập thể lãnh đạo Đảng ủy đã đến gia đình của một trong ba cháu là học sinh lớp 4 trường Trung học cơ sở Tân Dĩnh tử vong dưới công trình sai phạm của trường này. Gia đình của nạn nhân bày tỏ quan điểm chỉ cần được nghe một lời xin lỗi chân thành từ phía nhà trường để vong linh cháu bé được siêu thoát, người còn sống được an lòng và khép lại sự việc. Thế nhưng ông hiệu trưởng cho biết, ông cùng lãnh đạo Đảng ủy nhà trường không phải đến gia đình để xin lỗi mà chỉ đến để chia sẻ, động viên, lắng nghe nguyện vọng. Quan điểm này của ông hiệu trưởng khẳng định trong suốt buổi làm việc và không có lời xin lỗi nào của nhà trường với gia đình nạn nhân. “Mẹ của cháu bé phải nghẹn ngào. Tại sao một câu xin lỗi của người đứng đầu nhà trường lại khó khăn đến thế?” – đại biểu Trần Thị Dung đặt câu hỏi.

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên)

Vụ việc thứ hai mà đại biểu nhắc đến là vụ hỏa hoạn xảy ra tại Nhà máy Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông. Vụ hỏa hoạn này xảy ra vào 18 giờ ngày 28/8, 10 ngày sau đó công ty mới gửi lời xin lỗi đến chính quyền các cấp, lực lượng phòng cháy, chữa cháy, người dân vì đã làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong những ngày xảy ra sự cố, người dân lo ngại về khí độc ảnh hưởng đến sức khỏe, sau vụ cháy lãnh đạo công ty đã từng lên tiếng trấn an họ đã thay thế thủy ngân bằng vật liệu khác rất an toàn. Kể cả khi cháy cũng không ảnh hưởng đến con người. Nhưng đến khi cơ quan chức năng công bố kết quả quan trắc với số liệu cụ thể, rõ ràng, Rạng Đông mới thừa nhận sự cố cháy của nhà máy thực sự có ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, không đừng được, công ty đã lên tiếng xin lỗi.

Vụ việc thứ ba cũng nghiêm trọng khi nguồn nước sạch cung cấp cho hơn 250.000 hộ dân Thủ đô bị nhiễm dầu thải. Sau hơn 2 tuần xảy ra sự cố, Công ty Cổ phần Nước sạch sông Đà mới đưa ra lời xin lỗi mong được lượng thứ.

“Công ty Nước sạch Sông Đà xin lỗi người dân đơn thuần do chịu sức ép của dư luận để xoa dịu dư luận, chứ không thực sự nhận trách nhiệm và không có ý nghĩa về mặt pháp lý. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm của công ty với tất cả thiệt hại của người dân mà họ đã phải gánh chịu trong suốt 2 tuần” – đại biểu đặt vấn đề và cũng nêu thêm thông tin trong cuộc họp báo do Hà Nội và Hòa Bình tổ chức, lãnh đạo Công ty Nước sạch Sông Đà không thừa nhận trách nhiệm và cho rằng công ty mới là nạn nhân chịu thiệt hại lớn nhất. Họ không đưa ra lời xin lỗi với người dân.

“Ba vụ việc trên để lại hệ lụy rất lớn đối với người dân, nhưng cả ba vụ việc còn bỏ ngỏ. Người dân rất cần sự vào cuộc của cơ quan có thẩm quyền để mọi việc được xử lý công khai, minh bạch, rõ trách nhiệm, đó là quyền của công dân” – đại biểu Dung nêu quan điểm.

 

Thu Thuỷ
.
.
.