Công tác y tế phục vụ APEC 2017: Mọi phương án đều đã sẵn sàng
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Lương Ngọc Khuê-Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (KCB)- Bộ Y tế, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác Y tế thuộc Tiểu ban An ninh- Y tế APEC 2017:
PV: Xin ông cho biết công tác y tế chuẩn bị phục vụ APEC 2017 hiện nay ra sao?
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra từ ngày 6-11 đến 11-11 với khoảng 10.000 đại biểu tham dự. Vì thế, việc chăm sóc sức khỏe cho các đại biểu trong suốt thời gian dự hội nghị là vô cùng quan trọng.
Bộ Y tế phân công Cục Quản lý KCB là đơn vị thường trực, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan triển khai và kiểm tra, giám sát điều hành trực tiếp công tác y tế phục vụ hội nghị. Đến thời điểm này, công tác y tế cho APEC 2017 đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng phục vụ các đại biểu.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê. |
Là đơn vị đầu mối, chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai phục vụ sự kiện nên từ đầu năm 2017, Cục Quản lý KCB đã trình Bộ trưởng ký ban hành Kế hoạch công tác y tế phục vụ hội nghị. Tổ công tác y tế thuộc Tiểu ban an ninh và y tế của Ủy ban Quốc gia APEC 2017 được thành lập và đã tiến hành công tác chuẩn bị: ban hành danh mục thuốc và trang thiết bị thiết yếu, sổ thông tin y tế; xây dựng kịch bản các phương án cấp cứu thảm họa; phối hợp với Công ty International SOS xây dựng kế hoạch và quy trình vận chuyển bệnh nhân ra nước ngoài điều trị.
Hàng loạt công tác khác cũng đã được triển khai: Các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch trước và trong thời gian diễn ra APEC. Đặc biệt, ngành y tế đã sẵn sàng về cả nhân lực lẫn phương tiện, thuốc, trang thiết bị để đảm bảo tốt việc chăm sóc y tế cho các đại biểu tham dự hội nghị.
Các BV và tổ y tế phục vụ hội nghị được bố trí trực 24/24h để xử trí kịp thời các trường hợp cấp cứu và điều trị cho các đại biểu bị ốm, chấn thương, tai nạn.
Các đội cấp cứu lưu động, dự phòng để ứng cứu trong trường hợp xảy ra tình huống cấp cứu chấn thương, cháy nổ, ngộ độc hàng loạt, thảm hoạ cũng đã sẵn sàng cùng với kế hoạch vận chuyển bệnh nhân bằng máy bay trực thăng khi cần thiết.
PV: Bộ Y tế huy động đội ngũ cán bộ y tế phục vụ sự kiện này ra sao, thưa ông?
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Ngành y tế đã bố trí hơn 10 BV và Trung tâm y tế lớn như BV Hữu Nghị, BV C Đà Nẵng, BV Trung ương Huế, BV ĐK Đà Nẵng, BV ung Bướu Đà Nẵng, BVĐK Quảng Nam, BV Gia đình, BV Vinmec Đà Nẵng, BV Hoàn Mỹ, TTYT Hải Châu, TTYT Sơn Trà, Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng vv...
Ngoài ra, các BV của các ngành đóng trên địa bàn TP. Đà Nẵng đều đã sẵn sàng. Có khoảng 500 cán bộ y tế được huy động tham gia. Bộ Y tế cũng đã bổ sung 2 xe cứu thương của BV Hữu Nghị và BV Vinmec Đà Nẵng với đầy đủ trang thiết bị và thuốc thiết yếu để hỗ trợ Sở Y tế Đà Nẵng.
Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ mời nhiều giáo sư đầu ngành thuộc các chuyên khoa Hồi sức tích cực, Tim mạch, Ngoại khoa của các BV hàng đầu như BV Hữu Nghị, BV Việt Đức, BV Trung ương Huế, BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất, BV Vinmec Hà Nội tham gia phục vụ APEC 2017.
PV: Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) tại các điểm có đại biểu tham dự lưu trú, hội họp trong thời gian diễn ra APEC sẽ được quan tâm như thế nào, thưa ông?
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Thực hiện Kế hoạch của Bộ Y tế về tăng cường công tác y tế phục vụ APEC, Cục ATTP đã xây dựng Kế hoạch đảm bảo ATTP phục vụ hội nghị và đề nghị Sở Y tế Đà Nẵng, Chi cục ATVSTP TP Đà Nẵng kiểm tra, hướng dẫn đảm bảo ATTP.
Bộ Y tế cũng thành lập 3 đoàn kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm ATTP và điều tra ngộ độc thực phẩm tại các khách sạn phục vụ APEC, đồng thời phân công 54 cán bộ giám sát, bảo đảm ATTP tại 49 khách sạn phục vụ hội nghị; xây dựng quy trình điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm phục vụ APEC 2017.
Bộ Y tế đã rà soát 69 địa điểm ẩm thực do Sở Du lịch Đà Nẵng đề xuất về điều kiện bảo đảm ATTP và tập huấn các cán bộ tham gia về giám sát, thực hiện kiểm thực 3 bước theo đúng quy định. Bộ Y tế còn thành lập 5 đoàn kiểm tra các địa điểm ẩm thực phục vụ hội nghị và các khách sạn. Trong những ngày tới, các đoàn sẽ tăng cường kiểm tra, hướng dẫn đảm bảo ATTP tại các khách sạn có đại biểu lưu trú và các địa điểm tổ chức các hội nghị.
PV: Với những gì đã chuẩn bị, ông đánh giá khả năng đáp ứng y tế cho APEC 2017 của Đà Nẵng như thế nào?
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Được giao nhiệm vụ phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, các cán bộ y tế tham gia đều xác định đây là vinh dự, nhưng cũng là trách nhiệm đầy thách thức, khó khăn và vất vả. Do vậy, chúng tôi đã nỗ lực hết sức, cố gắng chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo mọi mặt.
Đến nay có thể nói, công tác y tế đã sẵn sàng đáp ứng tốt các mục tiêu của một sự kiện lớn: Về môi trường, về phòng chống dịch bệnh, về ATTP, đặc biệt là về nhân lực, phương tiện, thuốc, trang thiết bị để chăm sóc y tế tốt nhất trong khả năng cho tất cả những người tham dự hội nghị.
PV: Cảm ơn ông đã trao đổi!