Tìm giải pháp giảm ùn tắc cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất

Thứ Ba, 07/11/2017, 14:12
Nhằm tiếp tục tìm kiếm giải pháp giải tỏa ách tắc giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 7-11 Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo về vấn đề này.

Tham luận tại hội thảo, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng thành phố cho rằng, vấn đề giao thông của khu vực sân bay không chỉ là do lưu lượng vận tải ra vào sân bay mà còn liên quan đến lượng phương tiện rất lớn qua lại khu vực sân bay. Do đó rất cần có những giải pháp cấp thời, ít tốn kém để đạt hiệu quả cao để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực này trong lúc chờ làm sân bay Long Thành.

TS Cương nêu ra 3 giải pháp để giải quyết thực trạng trên, gồm mượn đường hoặc đất để có đường qua đất quốc phòng ở phía Nam sân bay. Bởi việc mở rộng đường song hành với tuyến đường Cộng Hòa hiện nay là rất cấp thiết, không chỉ giúp giải tỏa ùn tắc cho khu vực sân bay mà còn đáp ứng nhu cầu giao thông đối ngoại giữa thành phố với khu vực Tây Bắc, nối qua tỉnh Tây Ninh đi Campuchia.

Giải pháp tiếp theo được TS Cương đưa ra là mượn đường qua doanh trại Quân khu 7, tuyến đường này nối từ giao lộ Nguyễn Văn Trỗi – Hoàng Văn Thụ xuyên qua doanh trại Quân khu 7, nối vào được Nguyễn Thái Sơn, Phạm Văn Đồng. TS Cương khẳng định, khi thông được tuyến bổ sung này, chắc chắn sẽ giải tỏa ngay tình trạng ùn tắc trên đường Trường Sơn.

Đánh giá về thực trạng giao thông khu vực này, TS Cương phân tích, doanh trại Quân khu 7 vốn là trụ sở Bộ tổng tham mưu của chế độ cũ, đất quốc phòng quanh khu vực này đã được dân sự hóa thành nhà ở, công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại. Đường Phổ Quang nối từ Hoàng Minh Giám qua đường Nguyễn Văn Trỗi khá nhỏ hẹp, hai bên lại có nhiều cao ốc, dân cư đông đúc nên rất khó mở rộng.

Dải đất nằm giữa đường Nguyễn Kiệm – Phan Đình Phùng và đường Nguyễn Văn Trỗi từ hướng Gò Vấp đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ngoài tuyến đường Trường Sơn, chỉ có các đường ngang nhỏ là Phổ Quang, Hồ Văn Huê, Trần Huy Liệu, Trần Quang Diệu và đường Trường Sa. Trong khi áp lực giao thông theo hướng Đông Bắc - Tây Nam ở khu vực này rất lớn, thiếu đường sẽ làm tăng áp lực giao thông lên các trục dọc, gây ùn tắc trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Phan Đình Phùng và Nguyễn Kiệm.

Theo TS Cương, về lâu dài, nếu mở được tuyến qua doanh trại Quân khu 7 và đấu nối khác mức vào đường Phạm Văn Hai, còn hỗ trợ giảm được nhu cầu phải xây gấp tuyến đường trên cao số 1 tại đoạn qua đường Bùi Thị Xuân tại nút giao Lăng Cha Cả.

Giải pháp cuối cùng được TS Cương nêu ra là tạm ngưng khai thác đường sắt, sớm làm đường bộ ngay tại tuyến đường sắt trên cao Gò Vấp - Hòa Hưng. Chỉ cần mở được tuyến đường bộ có lộ giới 30m đi từ Công trường Dân chủ qua ga Hòa Hưng và nối ra đường Phạm Văn Đồng sẽ giải quyết được nhiều mục tiêu phát triển của thành phố và ngành đường sắt. 

Bởi đối với thành phố, đây là tuyến giao thông lớn chia sẻ gánh nặng với đường Trường Sơn khi đảm nhận một phần đáng kể lưu lượng phương tiện lưu thông từ khu vực Gò Vấp, quận 12, Thủ Đức về các quận trung tâm thành phố.

Đồng thời, tuyến mới mở này sẽ thay thế các giao cắt giữa đường sắt hiện hữu với các đường giao thông nội thị bằng các giao lộ đường bộ, giảm ùn tắc và tai nạn… đối với đường sắt, việc mở được đường bộ phía dưới sẽ tạo điều kiện về mặt bằng để làm tuyến đường sắt trên cao.

Tại hội thảo, GS TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển thành phố đã góp ý giải pháp tạo hướng tiếp cận hợp lý từ khu vực trung tâm thành phố. Trước mắt là việc kéo dài cầu vượt đường trên Trường Sơn thành đường trên cao 2 chiều chạy qua khu vực công viên Hoàng Văn Thụ. 

Về lâu dài cần hình thành một vành đai đường chuyên dụng mặt đất kết hợp với đường trên cao xung quanh khu vực sân bay. Đồng quan điểm này, đại diện Công ty CP tư vấn giao thông công chánh thành phố cũng nêu ra phương án cụ thể về các trục đường kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất.

Đại diện Tổng Công ty tư vấn thiết kế GTVT đề cập đến giải pháp xây dựng nhà ga và các trục đường kết nối với nhà ga trong sân bay để nâng công suất của Tân Sơn Nhất lên 45 triệu hành khách mỗi năm. Các vấn đề cụ thể về giải pháp phi công trình để giảm ùn tắc, quá tải, rồi khả năng kết nối, mở rộng bãi đỗ, sân đậu, xây dựng thêm nhà ga trong sân bay Tân Sơn Nhất… cũng được các chuyên gia đề cập.

Đại diện Viện nghiên cứu phát triển thành phố khẳng định, tất cả những giải pháp này sẽ được tập hợp, báo cáo thành phố và Bộ GTVT để nghiên cứu, áp dụng nhằm sớm giải tỏa cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất trước thực trạng ùn tắc trầm trọng hiện nay.

Đ.Thắng
.
.
.