Luật An ninh mạng sẽ bảo vệ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp
- Bộ Ngoại giao lên tiếng về việc xây dựng Luật An ninh mạng
- Luật An ninh mạng quy định như thế nào về việc bày tỏ ý kiến cá nhân?
- Quốc hội thông qua dự án Luật An ninh mạng với hơn 86% ĐBQH tán thành
- Dự án Luật An ninh mạng đã được chỉnh lý, cân nhắc kỹ lưỡng2
- Dự thảo Luật An ninh mạng không cản trở Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế1
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, liên quan đến Luật An ninh mạng, sau khi Quốc hội có trao đổi, có các ý kiến phản hồi của chuyên gia, cử tri thì Quốc hội lắng nghe rất nhiều.
“Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra cũng đã tiếp thu đầy đủ ý kiến ĐBQH rồi thì thông qua kết quả cao là đương nhiên thôi. Vấn đề còn lại là phải tuyên truyền cho cử tri và người dân hiểu được. Rằng khi Luật An ninh mạng được thông qua thì sẽ bảo vệ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp”, ông nói.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí |
Giải đáp thêm nội dung này, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, trong quá trình thẩm tra và giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự án Luật An ninh mạng, UBQPAN hết sức lắng nghe ý kiến của cử tri, các chuyên gia và đặc biệt là ý kiến của đại diện một số quốc gia như Mỹ, Úc, Liên minh châu Âu, các Hiệu hội viễn thông internet châu Á - Thái Bình Dương, ý kiến của các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và cả phóng viên nước ngoài.
Chính vì thế nhiều vấn đề dự án Luật Chính phủ trình sang đã được chỉnh lý làm sao đáp ứng yêu cầu về an ninh mạng, đây là vấn đề không chỉ với riêng Việt Nam chúng ta. Ông Hồng lấy ví dụ sự kiện Facebook sử dụng dữ liệu người dùng cung cấp cho các doanh nghiệp can thiệp vào nội bộ một số quốc gia là vấn đề thách thức toàn cầu.
“Về lo lắng ảnh hưởng tới doanh nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, tôi khẳng định hoàn toàn không có chuyện này, vì đây là tạo ra cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, của các doanh nghiệp” – Thường trực UBQPAN nhấn mạnh.
Xung quanh một số thông tin băn khoăn, liệu Google, Facebook có rời bỏ Việt Nam hay không, Thường trực UBQPAN khẳng định đến thời điểm này hai tập đoàn chưa có phản hồi chính thức nào. “Chúng tôi cũng phấn khởi sau khi Luật được thông qua đã nhận được phản hồi tích cực, được truyền thông rộng rãi, nhận được sự đồng thuận rất cao trong nhận thức của nhân dân và các tổ chức, cá nhân”
Qua đây ông cũng đề nghị các phóng viên ngoài việc tác nghiệp thì trên các diễn đàn, cộng đồng mạng cũng phản hồi thông tin chính thức nội dung dự án Luật này để tạo ra đồng thuận lớn nhất.
Có phóng viên đặt câu hỏi đối với Thường trực UBQPAN Nguyễn Thanh Hồng về khẳng định Luật An ninh mạng không ảnh hưởng đến các lợi ích của doanh nghiệp. “Tuy nhiên khi chúng tôi tìm hiểu thì được biết Google, Facebook cũng lo ngại sẽ tốn chi phí khi chuyển các dữ liệu đó về đây. Xin hỏi ông Hồng, ý của ông về việc không ảnh hưởng lợi ích là như thế nào?”
Thường trực UBQPAN Nguyễn Thanh Hồng |
Thường trực UBQPAN Nguyễn Thanh Hồng khẳng định, cho đến thời điểm hiện tại chưa có văn bản chính thức về việc này. “Còn trên cộng đồng mạng, đại diện Facebook cho biết sẽ nghiên cứu để triển khai thực hiện nội dung của dự án Luật” – ông Nguyễn Thanh Hồng nói.
Xung quanh quan tâm của doanh nghiệp về việc đặt máy chủ tại Việt Nam và lưu trữ dữ liệu của người dùng Việt Nam tại Việt Nam thì còn ý kiến khác nhau giữa nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Báo cáo thẩm tra của UBQPAN, hiện nay có 18 quốc gia yêu cầu nhà cung cấp mạng xã hội phải lưu trữ dữ liệu tại quốc gia đó. Tháng 5 vừa rồi Liên minh Châu Âu chính thức yêu cầu Facebook phải lưu trữ dữ liệu tại các nước thuộc Liên minh Châu Âu. Đây là yêu cầu cần thiết, vừa bảo vệ an ninh quốc gia, vừa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân đã được Hiến pháp quy định.
“Chúng tôi xin nhấn mạnh, Luật thông qua lần này chỉ lưu trữ dữ liệu của người dùng Việt Nam tại Việt Nam, mà chủ yếu là thông tin cá nhân người dùng, theo Hiến pháp đây là quyền liên thông được pháp luật Việt Nam bảo hộ, là tài sản của công dân Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ có trách nhiệm bảo vệ bí mật người dùng tại Việt Nam, xin nhấn mạnh như thế. Ngoài ra, đánh giá tác động của Chính phủ cho thấy một số thông tin nói rằng tác động tới kinh tế, cản trở công nghiệp số, công nghiệp 4.0 thì không phải như vậy” – Thường trực UBQPAN phân tích.
Tại buổi họp báo, có phóng viên băn khoăn, Luật An ninh mạng quy định không được đăng tin chống đối Nhà nước, có phải nhằm vào các đối tượng bất đồng chính kiến hay không?
Trả lời câu hỏi này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc viện dẫn Điều 16 Luật An ninh mạng quy định các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh quốc gia.
“Đương nhiên nếu vi phạm an ninh quốc gia thì cấm, không vi phạm an ninh quốc gia thì thoải mái. Liên quan đến an ninh quốc gia thì phải cấm là đúng rồi, anh chống lại Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam thì phải ngăn chặn, đối tượng nào vi phạm thì phải xử lý”, Tổng Thư ký Quốc hội bày tỏ quan điểm.
Có ý kiến đề nghị công bố tất cả danh tính ĐBQH đồng ý và không đồng ý thông qua Luật An ninh mạng. Quốc hội có thể cung cấp thông tin này hay không?
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Thứ nhất, Quốc hội Việt Nam thực hiện theo biểu quyết không công bố danh tính, công khai kết quả nhưng không công bố danh tính.
“Hiện nay thế giới có khoảng ¼ công bố danh tính, ¾ không công bố danh tính. Vừa qua tôi tham gia thành viên của Hiệp hội Tổng thư ký thế giới, trong tổng số 283 nghị viện thế giới có khoảng 70 nghị viện biểu quyết có danh, còn lại là biểu quyết không có danh” – ông Phúc nói.
Theo ông, hình thức nào cũng có mặt tích cực và mặt không tích cực, việc Quốc hội lựa chọn hình thức nào là tuỳ Quốc hội ấy. Tại kỳ họp khoá XIII, đại biểu Dương Trung Quốc cũng đề nghị xem xét chuyển sang hình thức biểu quyết có danh. “Tuy nhiên trong quá trình sửa nội quy kỳ họp, xin ý kiến thì các ĐBQH vẫn đề nghị xin giữ như bây giờ”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ.