Trang trọng Lễ Quốc tang Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Thứ Bảy, 06/10/2018, 06:00
Sáng nay (6-10), Lễ tang Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười được cử hành trọng thể theo nghi thức quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). 


Ban Tổ chức Lễ Quốc tang cho biết, tính đến 17h ngày  6-10, tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, trên 1500 đoàn với số lượng hơn 50.000 người; hơn 100 đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế và đoàn lãnh đạo cấp cao của Cuba, Lào, Campuchia đến viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Tại hội trường Thống Nhất TP Hồ Chí Minh, các đoàn thể, tổ chức, cá nhân tiếp tục xếp hàng dài 50m từ cổng dinh Thống Nhất đến bên trong hội trường, chờ vào viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

quoc-tang-13-2746-1538796382.jpg

Ngoài các cơ quan ban ngành ở thành phố còn có các đơn vị đến từ tỉnh Trà Vinh, Cần Thơ, Tây Ninh... các đơn vị tôn giáo, tăng ni phật tử, các hội thánh...

quoc-tang-17-3798-1538796382.jpg

Các đoàn đại biểu các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục vào viếng đồng chí Đỗ Mười.


Hội đồng các dòng họ Việt nam, Hội đồng Trần tộc Hà Nội, Hội đồng họ Đỗ Việt Nam tới viếng đồng chí Đỗ Mười.

Đoàn Bộ Lao động Thương binh và Xã hội viếng đồng chí Đỗ Mười.

Đoàn Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh viếng đồng chí Đỗ Mười.

Đoàn Bộ Tư lệnh quân chủng hải quân vào viếng đồng chí Đỗ Mười.

7h52: Đoàn Thành uỷ, HĐND, UBND TP. Hà Nội do đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP. Hà Nội làm Trưởng đoàn vào viếng đồng chí Đỗ Mười.

7h46: Đoàn Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an do Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn vào viếng đồng chí Đỗ Mười.

Ảnh: Ngọc Thành

7h40: Đoàn Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng do Đại tướng Ngô Xuân Lịch Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn vào viếng đồng chí Đỗ Mười.

Ảnh: Ngọc Thành

7h 35: Đoàn Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Trưởng đoàn vào viếng đồng chí Đỗ Mười.



7h 32: Đoàn Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam làm Trưởng đoàn vào viếng đồng chí Đỗ Mười.

Ảnh: VnExpress

7h28: Đoàn Chính phủ do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam làm Trưởng đoàn vào viếng đồng chí Đỗ Mười.

Trong sổ tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết: Vô cùng thương tiếc đồng chí Đỗ Mười – Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – Người chiến sĩ cộng sản trung kiên, một nhân cách lớn, mẫu mực về phong cách, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; một nhà lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân.
Trọn đời mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí Đỗ Mười đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Chính phủ, để lại nhiều dấn ấn sâu đậm trên từng cương vị công tác và đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước ta, nhất là phát triển công nghiệp nặng và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với tinh thần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Đặc biệt, với tư tưởng đổi mới mạnh mẽ “Việt Nam sẵn sàng là bạn của tất cả các nước”, đồng chí đã mở ra thời kỳ đối ngoại mới, tạo nên những bước tiến có tính đột phá trong quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Đồng chí mất đi để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Xin gửi đến gia quyến đồng chí lời chia buồn sâu sắc nhất. Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí Đỗ Mười.


7h23: Đoàn Chủ tịch nước do đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam làm Trưởng đoàn vào viếng đồng chí Đỗ Mười.

Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên TƯ Đảng, quyền Chủ tịch nước thay mặt Đoàn Chủ tịch nước kính cẩn thắp nén hương tiễn biệt đồng chí Đỗ Mười.
Đoàn Chủ tịch nước do đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu vào viếng đồng chí Đỗ Mười
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và chính phủ vào viếng đồng chí Đỗ Mười.

Tại Hội trường Thống Nhất TPHCM, dự lễ viếng Nguyên Tổng Bí thư có Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân; Nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Nguyên Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm; Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng....

 Đoàn Thành uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc TP. Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng đoàn vào viếng đồng chí Đỗ Mười.

Đoàn các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước chuẩn bị vào viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ảnh: TTXVN

7h11: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào viếng Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động viết trong sổ tang đồng chí Đỗ Mười.
Trong sổ tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động viết: Vô cùng thương tiếc đồng chí Đỗ Mười – Nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; Người đảng viên cộng sản rất mực kiên trung, suốt đời chiến đấu hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; Người có nhiều công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với đồng chí, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.
Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đồng chí. Nguyện mãi mãi học tập và noi theo tấm gương hết lòng vì nước, vì dân của Đồng chí.
Xin vĩnh biệt Bác Đỗ Mười kính mến! Xin gửi đến toàn thể gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương mất mát vô cùng to lớn này.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đến viếng và chia buồn cùng tang quyến đồng chí Đỗ Mười. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi quanh linh cữu đồng chí Đỗ Mười. ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đi quanh linh cữu đồng chí Đỗ Mười. ảnh: TTXVN

Trong tiếng nhạc “Hồn tử sĩ”, đoàn đại đại biểu đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ, đồng thời đi một vòng quanh linh cữu để tiễn biệt đồng chí Đỗ Mười.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính cẩn nghiêng mình trước linh cữu đồng chí Đỗ Mười. ảnh: VnExpress



7h00: Lễ viếng Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười chính thức bắt đầu. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đọc Tóm tắt Tiểu sử của đồng chí Đỗ Mười.

6h50: Trong niềm xúc động, tiếc thương sâu sắc, các đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang cùng đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đã cùng tề tựu về khu vực Nhà Tang lễ dự Lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười được cử hành trong không khí trang nghiêm, xúc động. Quàn tại vị trí trang trọng nhất, chính giữa đài lễ, linh cữu đồng chí Đỗ Mười được phủ Quốc kỳ đỏ thắm. Trước linh cữu của đồng chí Đỗ Mười, bên trên là Quốc kỳ viền dải băng đen, nổi bật dòng chữ: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đỗ Mười, Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”. 
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đọc tóm tắt tiểu sử đồng chí Đỗ Mười.

 

Tiếp đó là di ảnh đồng chí Đỗ Mười cùng bảng gắn Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cùng nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng. Cạnh linh cữu là ban thờ đặt lư hương, phủ đài hoa trang trọng.

6h45: Tại TP Hồ Chí Minh, cùng giờ với Hà Nội, ở đầu phía Nam đất nước, Lễ viếng nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười bắt đầu tại Hội trường Thống Nhất (quận 1) dưới sự điều hành của Văn phòng Chính phủ.

Bên trong hội trường, đội tiêu binh, đội quân nhạc đã vào vị trí từ rất sớm. Các đơn vị đến viếng phải qua khu vực kiểm tra an ninh, đăng ký trước và ngồi chờ ở khu vực riêng.
Ảnh: VnExpress

Trước đó, an ninh xung quanh Hội trường Thống nhất được siết chặt. Dọc các tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Du, Nguyễn Thị Minh Khai có rất nhiều CSGT, cảnh sát cơ động tuần tra. Tuy nhiên, TP HCM không cấm hay hạn chế xe lưu thông.

Hình ảnh trước Hội trường Thống Nhất TP HCM sáng nay. Đúng 7h, tại đây cũng tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Đỗ Mười.
Sau đoàn gia đình, đoàn đoàn Văn phòng đồng chí Đỗ Mười vào viếng.

6h40: Gia đình họ hàng nội ngoại của Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười bắt đầu vào viếng.

6h30: Công việc buổi dải băng đen vào cờ Tổ quốc được tiến hành tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.



6h15: An ninh tại khu vực Nhà Tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội được kiểm soát chặt. Ngoài lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, trật tự dân phố thì có cả lực lượng kiểm soát quân sự thường trực ở các chốt giao thông như ngã tư Trần Hưng Đạo- Lê Thánh Tông, Lò Đúc...

Tại khu vực nhà của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười ở Phạm Đình Hổ cũng có hai chốt kiểm soát ở hai đầu đường. Gần như mọi phương tiện cấm đi vào khu vực xung quanh khu vực nhà tang lễ quốc gia.

Lực lượng Công an đã có mặt tại các tuyến phố để hướng dẫn người dân và giữ gìn an ninh cho Lễ Quốc tang.

Lễ viếng Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười bắt đầu từ 7 giờ, ngày 6-10 đến 7 giờ 30 phút, ngày 7-10 tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ truy điệu đồng chí Đỗ Mười tổ chức vào 9 giờ, ngày 7-10, tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng từ 13 giờ cùng ngày tại quê nhà, Khu Ma Vang, thôn 1, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Đỗ Mười.

Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng đồng chí Đỗ Mười tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong hai ngày Quốc tang (ngày 6 và 7 tháng 10), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

Cờ rủ được treo với dải băng tang có kích thước bằng 1/10 chiều rộng lá cờ.

Để đảm bảo an ninh, an toàn và giao thông thông suốt, phục vụ Lễ Quốc tang đồng chí Đỗ Mười, Công an thành phố Hà Nội đã có thông báo phân luồng giao thông và tổ chức hướng đi cho các loại phương tiện trong diện hạn chế, diện tạm cấm.

Từ 6h00 đến 22h00 ngày 6-10, hạn chế các xe ô tô chở hàng có khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 500 kg trở lên, xe ô tô chở khách từ 25 chỗ trở lên (trừ xe buýt, xe thu gom rác, xe giải quyết sự cố, xe có phù hiệu bảo vệ, xe phục vụ Lễ Quốc tang) trên một số tuyến đường: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tông, Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ (đoạn từ Lò Đúc đến Phố Huế), Trần Khánh Dư, đê Nguyễn Khoái, Đê 401, Ngô Thì Nhậm, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Phố Huế, Hàng Bài.

cam hang loat tuyen pho thu do phuc vu le quoc tang dong chi do muoi hinh 1
Lực lượng chức năng Hà Nội phân luồng giao thông trên các tuyến phố. Ảnh: VOV

Ngoài các tuyến đường hạn chế nêu trên, trong thời gian từ 6h30 đến 12h ngày 7-10, hạn chế các loại phương tiện nêu trên hoạt động trên các tuyến đường: Lò Đúc, Phan Chu Trinh, Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Điện Biên Phủ, Chu Văn An, Nguyễn Thái Học (đoạn từ Nguyễn Thái Học - Chu Văn An đến Nguyễn Thái Học - Lê Duẩn), Lê Duẩn, Giải Phóng, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp.

Từ 6h30 đến 22h00 ngày 6-10và từ 6h30  đến 12h00 ngày 7-10, cấm triệt để các phương tiện (trừ xe có phù hiệu bảo vệ, xe phục vụ Lễ Quốc tang) trên các tuyến đường: Tăng Bạt Hổ, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Công Trứ (đoạn từ Trần Thánh Tông đến Lò Đúc), YecXanh, Trần Thánh Tông, Nguyễn Huy Tự, Lê Quý Đôn (từ Nguyễn Cao đến YecXanh), Nguyễn Cao (từ Lò Đúc đến Lê Quý Đôn), Hàn Thuyên, Hàng Chuối (đoạn từ Hàn Thuyên đến Nguyễn Công Trứ).

cam hang loat tuyen pho thu do phuc vu le quoc tang dong chi do muoi hinh 2
Nhiều phương tiện bị cấm và hạn chế lưu thông ở hàng loạt tuyến phố. Ảnh VOV

Đối với các tuyến phố khác, các phương tiện chấp hành theo Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 25-1-2013 của UBND thành phố Hà Nội quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Các xe ô tô trong diện hạn chế, tạm cấm từ Quốc lộ 5 đi các tỉnh phía Nam theo Quốc lộ 1B qua cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì.

Xe từ các hướng qua cầu Thanh Trì; cầu Vĩnh Tuy theo đường Minh Khai, - Tam Trinh, đến Pháp Vân đi theo Quốc lộ 1B hoặc ngược lại từ Quốc lộ 1B qua cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy đi các hướng.

Xe từ tỉnh phía Nam đi các tỉnh phía Bắc theo tuyến: Quốc lộ 1B, đến nút giao Pháp Vân đi đường vành đai III trên cao, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, cầu Thăng Long, đi các tỉnh phía Bắc; hoặc từ Quốc lộ 1B rẽ đường dẫn tỉnh lộ 427, đến ngã 3 Thường Tín rẽ trái theo đi tỉnh lộ 427 - Cenco 5 - Phúc La, Văn Phú - Lê Trọng Tấn - Đại lộ Thăng Long, đi các hướng đến các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc.

TÓM TẮT TIỂU SỬ ĐỒNG CHÍ ĐỖ MƯỜI
Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương  Đảng Cộng sản Việt Nam; nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng  (nay là Thủ tướng Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
-----

Đồng chí Đỗ Mười (tên khai sinh là Nguyễn Duy Cống), sinh ngày 2-2-1917; quê quán: Xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Thường trú tại số nhà 11, phố Phạm Đình Hổ, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Tham gia hoạt động cách mạng năm 1936; vào Đảng tháng 6-1939.

Năm 1936, đồng chí tham gia phong trào Mặt trận Bình dân.

Năm 1937, đồng chí tham gia Tổ chức Ái hữu thợ mỏ Hòn Gai.

Năm 1938, đồng chí về quê hoạt động, vào Công hội, vận động phong trào ủng hộ Liên Xô; tháng 6-1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù, giam ở Nhà tù Hà Đông và Nhà tù Hoả Lò, Hà Nội.

Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, đồng chí vượt ngục Hoả Lò, bắt liên lạc với Đảng và tiếp tục hoạt động, được phân công về tham gia Ban khởi nghĩa Tỉnh uỷ Hà Đông, phụ trách phong trào cách mạng huyện Ứng Hoà và Mỹ Đức, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Hà Đông.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí làm Bí thư Tỉnh uỷ Hà Đông.

Đầu năm 1946, đồng chí làm Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam. Cuối năm 1946, làm Bí thư Tỉnh uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến tỉnh Nam Định.

Năm 1947 - 1949, đồng chí làm Khu uỷ viên Khu III, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình, Bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình.

Năm 1950, đồng chí làm Phó Bí thư Liên Khu uỷ, kiêm Phó Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Liên khu III, Chính uỷ kiêm Tư lệnh Liên khu III.

Năm 1951 - 1954, đồng chí làm Bí thư Khu uỷ khu Tả Ngạn Sông Hồng, kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính và Chính uỷ Quân khu Tả Ngạn Sông Hồng.

Năm 1955, đồng chí chỉ đạo tiếp quản Khu 300 ngày, Bí thư Thành uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban Quân chính thành phố Hải Phòng. Tháng 3-1955, đồng chí được bầu bổ sung Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Năm 1956, đồng chí làm Thứ trưởng Bộ Thương nghiệp.

Năm 1958, đồng chí làm Bộ trưởng Bộ Nội thương.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960), đồng chí được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội thương.

Năm 1967 - 1968, đồng chí làm Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Trưởng phái đoàn Thanh tra Chính phủ.

Năm 1969 - 1973, đồng chí làm Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước. Năm 1973, đồng chí làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Hội đồng chi viện tiền tuyến Trung ương và chống phong toả Cảng Hải Phòng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12-1976), đồng chí được bầu lại làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách các khối: Xây dựng cơ bản, Công nghiệp, Vật tư, Cải tạo công thương nghiệp và phân phối lưu thông.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3-1982), đồng chí tiếp tục được bầu lại làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách các khối: Xây dựng cơ bản, Công nghiệp, Vật tư.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986), đồng chí tiếp tục được bầu lại làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị, được phân công làm Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Tháng 6-1988, đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ).

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6-1991), đồng chí tiếp tục được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị và giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Bí thư Quân uỷ Trung ương.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6-1996), đồng chí tiếp tục được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị và giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Bí thư Quân uỷ Trung ương.

Tháng 12-1997, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư khoá VIII, đồng chí xin thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thôi giữ chức Tổng Bí thư; được Ban Chấp hành Trung ương Đảng suy tôn làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến năm 2000.

Đồng chí là Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II; Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá III, IV, V, VI, VII, VIII; Uỷ viên Bộ Chính trị dự khuyết khoá IV; Uỷ viên Bộ Chính trị các khoá V, VI, VII, VIII; Thường trực Ban Bí thư khoá VI; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ tháng 6-1988 đến tháng 6-1991); Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ tháng 6-1991 đến tháng 12-1997). Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ năm 1997 đến năm 2000). Đại biểu Quốc hội các khoá II, IV, V, VI, VII, VIII và IX.

Do có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.


Nhóm PV Điện tử CAND
.
.
.