Lấy việc thực hiện vấn đề cử tri nêu làm “thước đo” trách nhiệm của các Bộ trưởng

Thứ Hai, 04/06/2018, 10:33
Bên lề Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình về vấn đề cải tiến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này cũng như kỳ vọng vào những câu trả lời trọng tâm, giải đáp được những thắc mắc, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, người dân.


PV: Đánh giá của bà về các trưởng ngành được lựa chọn?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Thứ nhất, tôi nhấn mạnh rằng quy trình lựa chọn các vấn đề chất vấn, các nội dung chất vấn là hết sức rõ ràng, chính xác và khoa học, đã được thực hiện dựa trên luật hoạt động giám sát của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đặc biệt là có hướng dẫn. Trong hướng dẫn nêu rõ việc lựa chọn phải dựa trên các kiến nghị của cử tri qua các kỳ tiếp xúc cử tri. Thứ hai là qua các ý kiến đề nghị chất vấn mà các ĐBQH gửi tới kỳ họp. Thứ ba là phải dựa vào những trao đổi, thảo luận tại các phiên kinh tế - xã hội.

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.

Ban Dân nguyện đã tập hợp được 120 nội dung, nhóm nội dung các vấn đề gửi tới kỳ họp thứ 5 này qua các đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp; khoảng 60 phiếu chất vấn của các ĐBQH gửi và căn cứ vào các phiên thảo luận kinh tế - xã hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã tập hợp và đã xin ý kiến các cơ quan chuyên môn, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban rồi sau đó lựa chọn tìm ra các nhóm vấn đề, rồi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Từ ý kiến UBTVQH lại xin ý kiến Quốc hội, lấy phiếu và số lượng phiếu được công bố công khai. Việc lựa chọn này là hoàn toàn công khai minh bạch, vì vậy, không hề có sự né tránh các vấn đề “nóng”, những vấn đề mà người dân đang quan tâm sẽ được ưu tiên xem xét. Thậm chí như BOT đã được giám sát của UBTVQH gần đây nhưng vì ĐBQH vẫn rất quan tâm và nhận được ý kiến của nhiều người dân nên kỳ này vẫn được đưa ra là một nhóm vấn đề cho Bộ GTVT.

PV: Có ý kiến cho rằng, vấn đề tham nhũng được dư luận quan tâm nhưng lại hay bị để “lọt”, còn ý kiến của bà?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Tham nhũng và các vấn đề khác cũng đã được cử tri nêu ra. Tuy nhiên vấn đề tham nhũng cũng đã được thảo luận nhiều trong phiên thảo luận về Luật Phòng, chống tham nhũng và luật này dự kiến sẽ được thông qua trong 3 kỳ họp. Kỳ này vẫn có thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường nên tôi nghĩ rằng vấn đề liên quan đến phòng, chống tham nhũng đã được nhắc tới rất nhiều ở các phiên thảo luận. Tôi muốn nhấn mạnh thêm, việc lựa chọn dựa trên cơ sở ý kiến cử tri nêu nhưng cũng rất công khai, minh bạch.

PV: Với vị trí của Ban Dân nguyện là nơi tiếp xúc, gần gũi với nguyện vọng của cử tri nhất thì bà thấy việc trả lời của các Bộ trưởng trước đây có thoả mãn các vấn đề mà cử tri nêu hay không?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Có những cử tri rất tâm huyết gửi cho tôi 30 trang viết tay đánh giá từng Bộ trưởng một trong phiên chất vấn, từ phong thái trả lời, vấn đề trả lời đến việc quyết liệt trả lời… Cử tri đánh giá cao sự nỗ lực của các Bộ trưởng trong thời gian vừa qua đã trả lời và sau khi trả lời đã cố gắng giải quyết, tổ chức thực hiện. Có những vấn đề cụ thể, cử tri một địa phương chất vấn được mang đến kỳ họp và Bộ trưởng đã trả lời thấu đáo, cử tri có giám sát việc giải quyết.

Có một xu hướng nữa mà cử tri đánh giá là một số vấn đề các Bộ trưởng chưa giải quyết được phần nhiều là do nguyên nhân khách quan, có thể do công tác phối hợp hay nguồn lực thiếu… Chứ nguyên nhân chủ quan do sự thiếu trách nhiệm, thiếu quan tâm, do năng lực trình độ kém thì ít. Đấy là điều tôi thấy rất đáng mừng trong đánh giá của cử tri về chất lượng trả lời chất vấn của các Bộ trưởng.

Tuy nhiên, cử tri mong muốn có một cơ chế xử lý mạnh hơn nữa đối với những vấn đề đã nêu trong chất vấn mà các Bộ trưởng, trưởng ngành chưa thực hiện. Nghĩa là vấn đề hậu giám sát, từ trước đến nay vẫn được nêu nhiều nhưng xử lý trách nhiệm chưa rõ do cơ chế nhiệm kỳ, rồi bản thân đại biểu chất vấn đó lại hết nhiệm kỳ, sang nhiệm kỳ sau, khóa sau…

Cử tri rất mong có một cơ chế minh bạch để xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể khi không thực hiện đầy đủ các kiến nghị nêu trong các Nghị quyết về giám sát cũng như các Nghị quyết chung của Quốc hội. Cử tri cũng muốn gửi gắm tới Quốc hội là hãy lấy việc trả lời chất vấn, việc thực hiện các vấn đề cử tri nêu làm cơ sở đánh giá một cách chính xác trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ của các Bộ trưởng, trưởng ngành. Mỗi lần chất vấn là bộc lộ bản lĩnh cá nhân của các Bộ trưởng, trưởng ngành mà lại ngay liền kề kỳ Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

PV: Chất vấn chỉ là một biểu hiện trong trách nhiệm giải trình của Bộ trưởng. Đánh giá từ góc độ của Ban Dân nguyện bà thấy thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Việc trả lời kiến nghị của cử tri có sự chuyển biến rất tích cực của Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Ở một số phương diện, chất lượng giải quyết, thời hạn giải quyết cũng rất tiến bộ. Tất cả các vấn đề cử tri nêu thì đều phải được trả lời. Nếu trước đây chỉ nói “chúng tôi sẽ tiếp thu”, “sẽ nghiên cứu và giải quyết trong thời gian tới” thì hiện nay không còn nữa, mà đã được thay đổi bằng “chúng tôi xin tiếp thu”, “xin trả lời thông tin đến các đại biểu là…”.

Hơn 90% các câu hỏi đã được trả lời, tức là đều có lộ trình giải quyết. Việc nêu lên được lộ trình giải quyết cũng làm cho cử tri yên tâm, cho thấy vấn đề được đặt ra đã được các bộ, ngành quan tâm. Sự chuyển động đó là nguyên nhân do đâu? Theo tôi, là do sự vận hành rất năng động của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ, ngành…

PV: Xin cảm ơn bà!

Nhiều kỳ vọng gửi tới các “tư lệnh” ngành

ĐBQH Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị): “Tại phiên chất vấn ở kỳ họp này có sự đổi mới là ĐBQH chỉ hỏi trong 1 phút, Bộ trưởng trả lời trong 3 phút. 

Tôi cho rằng các Bộ trưởng phải có trách nhiệm trả lời thẳng thắn, rõ ràng các câu chất vấn của ĐBQH vì ĐBQH đại diện cho cử tri, còn Bộ trưởng nào né tránh, không trả lời thì phải xem lại trách nhiệm của Bộ trưởng. Đối với vấn đề tranh luận của các ĐBQH trong phiên chất vấn, tôi cho là rất cần thiết, nhưng tranh luận là để tìm ra các giải pháp để giải quyết việc tranh luận chứ không phải để định hướng”.

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An): “Tôi cho rằng cả 4 nhóm nội dung chất vấn với 4 Bộ trưởng đều là những vấn đề mà trong thực tiễn hiện nay đang “rất nóng”, được cử tri rất quan tâm. Cá nhân tôi quan tâm nhiều nhất và dự kiến sẽ chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về những tồn tại trong lĩnh vực đất đai. 

Theo tôi, đất đai là một tài sản vô giá của Nhà nước nhưng hiện đang có tình trạng thất thoát khá lớn do khâu quản lý còn tồn tại nhiều hạn chế. Tôi mong muốn Bộ trưởng Trần Hồng Hà sẽ đưa ra được các giải pháp quản lý đất đai chặt chẽ hơn”. (Bảo Quân)

An Quỳnh (thực hiện)
.
.
.