Làn sóng đầu tư năng lượng tái tạo đang đổ vào Việt Nam

Thứ Năm, 14/03/2019, 09:52
Tại Hội thảo quốc tế “Phát triển năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu carbon tại Việt Nam” do Đại sứ quán Anh tại Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức ngày 12-3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định, với các chính sách nhất quán và các cơ chế hỗ trợ cụ thể, chúng ta đang chứng kiến một “làn sóng” đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.


Đến cuối năm 2018, Việt Nam đã đưa vào vận hành phát điện 285 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 3.322 MW; 8 nhà máy điện gió với tổng công suất 243 MW và 10 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất nối lưới khoảng 212 MW.

Về điện mặt trời, đến cuối năm 2018 có khoảng 10.000 MW được đăng ký, trong đó có 8.100 MW được bổ sung quy hoạch, 2 dự án đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 86 MW. Tổng công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo (không kể các nhà máy thủy điện cỡ vừa và lớn) đã chiếm 2,1% tổng công suất toàn hệ thống.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ lên đến 130.000 MW năm 2030 so với 47.000 MW hiện nay. Như vậy, khoảng 83.000 MW nguồn điện mới sẽ cần phải được xây dựng và đưa vào vận hành từ nay đến 2030, cùng với đó là các cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối.

Trong bối cảnh đó, “một trong những mục tiêu ưu tiên của Việt Nam là phát triển năng lượng tái tạo để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng phát điện truyền thống nhằm bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và các nước trong khu vực”, ông Hưng nhấn mạnh.

Theo các nghiên cứu đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo cho thấy, đến năm 2030, Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 8.000 MW thủy điện nhỏ; 20.000 MW điện gió; 3.000 MW điện sinh khối; 35.000 MW điện mặt trời.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cũng chỉ rõ, việc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua cũng đang đối mặt với một số bất cập và thách thức như chi phí đầu tư cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp, cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là các dự án điện mặt trời), các khó khăn trong điều khiển, điều độ hệ thống điện khi tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng lên,...

Bên cạnh đó, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho  rằng, hiện nay, EVN chưa thể ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với khách hàng do chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức thanh quyết toán tiền điện cho khách hàng.

Bên cạnh đó, giá thành lắp đặt 1 kWp điện mặt trời còn cao (khoảng 1.000 USD/kWp), chưa có chính sách hỗ trợ về vốn vay đối với các dự án điện mặt trời và các chương trình hỗ trợ chi phí lắp đặt cho khách hàng.

Để các dự án điện năng lượng tái tạo khả thi, ông Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học (Hiệp hội Năng lượng Việt Nam) cho rằng, cần xúc tiến một số nội dung quan trọng, trong đó có phần phân tích, đánh giá hiệu quả dự án đầu tư điện năng lượng tái tạo (đặc biệt là điện gió, điện mặt trời) có tính đến yếu tố rủi ro.

Đối với bất kỳ dự án đầu tư nào, bên cạnh lợi ích đạt được cũng gặp phải những rủi ro, đặc biệt, dự án điện năng lượng tái tạo mới và phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên nên rủi ro càng lớn. Nhà đầu tư cần nhận dạng và quản lý rủi ro.

Ông Russell Marsh, Công ty Ernst & Young Sollutions cho rằng, Việt Nam cần thiết kế một môi trường cho phép thúc đẩy tài trợ, các chính sách công và hành động được thiết kế để thu hút đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó cần hài hòa các chính sách tài chính, giá năng lượng để cho phép có mức giá hợp lý hơn; cải cách và đơn giản hóa quá trình cấp phép và thu hồi đất.

Lưu Hiệp
.
.
.