Làm tốt công tác tuyên truyền bầu cử trong đồng bào Khmer

Thứ Năm, 12/05/2016, 08:48
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm khoảng 1/3 dân số của tỉnh. Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền về bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021.


Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm khoảng 1/3 dân số của tỉnh. Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền về bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021.

Ở huyện Trần Đề, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 48% dân số. Do đó, công tác tuyên truyền về bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp luôn được huyện quan tâm hàng đầu. Đến xã Viên An, nơi có gần 90% dân số là đồng bào Khmer sinh sống không tập trung, do đó công tác tuyên truyền gặp không ít khó khăn.

Ông Triệu Hường, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Rút kinh nghiệm từ cuộc bầu cử trước, xã đã chú trọng tuyên truyền cho người có uy tín để họ tuyên truyền cho các thành viên trong gia đình, người thân đi bầu cử đầy đủ, đúng thời gian”.

Người dân xã Viên An tìm hiểu tiểu sử của các ứng cử viên ĐBQH khóa XIV.

Theo ông Thạch Văn Mến, Bí thư Đảng ủy xã Viên An, cho biết: “Chúng tôi tuyên truyền về công tác bầu cử bằng nhiều hình thức, như: qua hệ thống loa truyền thanh; phát loa lưu động đến từng xóm, ấp bằng 2 thứ tiếng Việt và Khmer; tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt tổ, nhóm của các hội đoàn thể với mục đích làm sao giúp bà con nắm bắt được tầm quan trọng của công tác bầu cử để hoàn thành nhiệm vụ của mình”.

Cùng với chính quyền, Chi hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Trần Đề cũng đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền đến bà con cử tri. Hoà thượng Thạch Sông, Chi Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện, cho biết: “Chúng tôi kết hợp cùng nhà chùa tuyên truyền cho bà con hiểu được ý nghĩa của cuộc bầu cử và trách nghiệm của cử tri là tham gia bỏ phiếu đầy đủ, phải tự mình bầu chọn những đại biểu theo ý mình, không được đi bầu thay hay gửi phiếu nhờ người khác bầu”.

Trong khi đó, huyện Long Phú có gần 30% dân số là đồng bào Khmer, tập trung đông ở 2 xã Tân Hưng và Long Phú. Để việc tuyên truyền về bầu cử đến với bà con Khmer, các địa phương đã đưa những nội dung thật cần thiết, gắn với quyền và nghĩa vụ của cử tri để bà con dễ hiểu, dễ nhớ, như: Thời gian đi bầu, việc phát thẻ cử tri và việc lựa chọn những đại biểu xứng đáng bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp.

Tại huyện Mỹ Xuyên, công tác tuyên truyền về đợt bầu cử trong đồng bào dân tộc Khmer cũng được quan tâm và đạt kết quả cao. Hòa thượng Thạch Sach, Trụ trì chùa Prasathkong (ấp Tắc Giồng, xã Tham Đôn), cho biết: “Nhà chùa cũng tham gia tuyên truyền về đợt bầu cử cho bà con phật tử của chùa. Chúng tôi được tập huấn của ủy ban bầu cử địa phương, sau đó về tuyên truyền cho cử tri ở chùa để bà con hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong đợt bầu cử này. Nhìn chung đến nay, cử tri đã nắm rõ qui định bầu cử, tìm hiểu về các ứng cử viên để có sự lựa chọn đúng đắn".

Về công tác đảm bảo an toàn cho đợt bầu cử, Đại tá Nguyễn Hoàng Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng tiểu ban Chỉ đạo đảm bảo ANTT Ủy ban bầu cử tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Lãnh đạo Công an tỉnh đã có nhiều đợt kiểm tra công tác bảo vệ bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 ở các địa phương sẽ diễn ra vào ngày 22-5 tới đây. Nhìn chung, lực lượng Công an các địa phương đã phối hợp tốt với cơ quan quân sự, các ngành chức năng trong nắm tình hình, quản lý chặt địa bàn, đối tượng... Đồng thời đẩy mạnh cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, bài trừ TNXH, đảm bảo TTATGT; chủ động nắm chặt diễn biến tình hình ANTT trên toàn địa bàn. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng còn tổ chức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử để người dân xem đây là ngày hội lớn của dân tộc. Từ đó tích cực vận động người thân, bạn bè đi bỏ phiếu đầy đủ”.

Đức Văn – C.X
.
.
.