Làm rõ căn cứ xác định thông tin mật và thông tin được công khai

Thứ Sáu, 15/01/2016, 08:07
Theo ông, vấn đề bảo vệ bí mật nhà nước có mối liên hệ chặt chẽ với quyền tiếp cận thông tin của công dân. Nếu thông tin mật không được xác định đúng, không được giải mật kịp thời sẽ làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân....


Đó là ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý tại phiên họp thứ 44 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 44 sáng 14-1, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, UBTV Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về việc công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Xem xét, thông qua Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ, đảm bảo chỉ đạo thông suốt, hướng dẫn chính xác để cuộc bầu cử diễn ra thành công. Cũng tại phiên họp này, UBTV Quốc hội sẽ cho ý kiến 4 dự án luật để trình Quốc hội tại kì họp thứ 11 và một số nội dung quan trọng khác.

Báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật Tiếp cận thông tin tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát các văn bản để luật hóa, bổ sung một số quy định về nội dung các thông tin phải được công khai hiện đang được quy định trong một số văn bản luật, pháp lệnh, nghị định, tạo điều kiện tốt hơn cho công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Theo ông, vấn đề bảo vệ bí mật nhà nước có mối liên hệ chặt chẽ với quyền tiếp cận thông tin của công dân. Nếu thông tin mật không được xác định đúng, không được giải mật kịp thời sẽ làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân. Hiện nay, tài liệu mật ở nước ta được quy định tại Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000 và tại một số pháp lệnh, nghị định có hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân là không phù hợp với Hiến pháp vì việc hạn chế quyền công dân chỉ có thể được quy định bằng luật. Do đó, ông đề nghị UBTV Quốc hội giao các cơ quan hữu quan khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật bảo vệ bí mật Nhà nước đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Tán thành với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật Tiếp cận thông tin quan trọng nhất là quy định rõ thông tin nào được tiếp cận hay không được tiếp cận mà không để chờ luật khác. Nếu Luật Tiếp cận thông tin không giải quyết được vấn đề trên thì luật không có giá trị. Theo Chủ tịch Quốc hội, thông tin nào được tự do tiếp cận, thông tin nào bị hạn chế đã có trong Pháp lệnh, cần quy định rõ ràng. Từ giờ đến tháng 3-2016 phải bổ sung, nếu làm không kịp thì chưa trình thông qua tại Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay, tất cả những thông tin không phải mật, thông tin đã được giải mật thì công dân được quyền tiếp cận và Nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp. Việc giải mật như thế nào sẽ theo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Những thông tin nào được công khai, được giải mật đều được quy định trong luật này. Riêng cái gì liên quan đến bí mật, trước khi cung cấp cho người dân thì cơ quan cung cấp phải rà soát, phải được cơ quan có thẩm quyền phụ trách đồng ý. Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước chỉ quy định những loại thông tin mật, mật ở mức độ nào, khi nào giải mật chứ không được quy định hạn chế quyền tiếp cận thông tin.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tán thành với ý kiến của Ủy ban Pháp luật về việc mở rộng chủ thể cung cấp thông tin không chỉ có cơ quan nhà nước mà bao gồm cả các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước có sử dụng ngân sách nhà nước. Có rất nhiều thông tin của các tổ chức, đơn vị này có liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Về quy định UBND cấp xã, phường, thị trấn chỉ cung cấp thông tin cho công dân sống trên địa bàn thì theo bà Trương Thị Mai là không hợp lý. Bà nói: Người vãng lai, người không phải trên địa bàn muốn mua một miếng đất trên địa bàn, đến UBND xã thì không cung cấp, đó là điều rất vô lý. Đất đai quy hoạch ra sao, quy mô, sổ sách thế nào phải công bố rõ để mọi người có nhu cầu đều có thể biết.

Về chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin, Ban soạn thảo vẫn giữ quan điểm chỉ dừng lại ở các cơ quan Nhà nước. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, các đơn vị sự nghiệp như bệnh viện, trường học thì họ đã có quy định, mở rộng ra là không nên. Trên thế giới có 2 nước mở rộng là Nam Phi và Ấn Độ nhưng tính khả thi rất thấp...

M.Đ.
.
.
.