Kinh tế hậu COVID-19 liệu có hy vọng bật lên?

Thứ Bảy, 03/10/2020, 08:04
Đưa ra những đánh giá khá cụ thể về tác động của COVID-19 cùng phân tích toàn diện về những hỗ trợ của Chính phủ đối với người dân và doanh nghiệp để vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra, tuy nhiên, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính lại nhấn mạnh vào những giải pháp hậu COVID – 19 để Việt Nam có thể bật lên khi bước ra vùng dịch bệnh.


PV: Thưa Bộ trưởng, là người đứng đầu cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia của đất nước, Bộ trưởng đánh giá thế bào về tác động của COVID-19 đối với đời sống xã hội - kinh tế của Việt Nam?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trước hết phải khẳng định COVID-19 tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu và với một nền kinh tế có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn (gấp 2 lần GDP) như Việt Nam sẽ cực kỳ nhạy cảm với những thay đổi từ các nền kinh tế trên thế giới. Ngoài những tác động từ bên ngoài, chính chúng ta cũng phải chịu những tác động trực tiếp của dịch bệnh khi phải thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại…

Ngoài những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống hàng ngày của người dân, thì nhiều doanh nghiệp phải ngừng, giảm hoạt động khiến đời sống của người lao động gặp khó khăn. 

Với khối doanh nghiệp, có những doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp như vận tải, hàng không và các doanh nghiệp trong khối dịch vụ, du lịch; những doanh nghiệp bị ảnh hưởng gián tiếp như dệt may, da giày, ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm… do các nước đóng cửa để ngăn dịch lây lan. Nhiều dự án, công trình đình trệ vì chưa nhập khẩu được thiết bị, chuyên gia không nhập cảnh được.

Khó khăn không chỉ có vậy, trong khi các chuỗi giá trị bị đứt gãy, thì đó đây lại xảy ra chiến tranh thương mại và hai lý do đó đã khiến các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn trên thế giới phải nghiêm túc tính toán lại để trước tiên là tồn tại, rồi mới tính tới phát triển.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

PV: Có vẻ như đã gần tới giới hạn của sức chịu đựng…?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Mỗi doanh nghiệp có một giới hạn chịu đựng khác nhau, có doanh nghiệp ngay trong điều kiện dịch bệnh, chiến tranh thương mại như hiện nay nhưng vẫn tạo đà tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, doanh nghiệp đang hoạt động đã được hưởng thành quả về môi trường kinh doanh được cải thiện và những ưu đãi về chế độ thuế, phí trong suốt một thời gian dài, đặc biệt giai đoạn 2016-2020, những cải cách về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan đã được Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận trong báo cáo Doing Business 2020… vì thế, trong ngắn hạn, nhìn chung doanh nghiệp vẫn có thể nỗ lực tồn tại, thậm chí phát triển, bằng chứng là, cho tới hết tháng 8/2020, GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương và xuất siêu đạt gần 11 tỷ USD, cán cân thanh toán ổn định.

PV: Trước tình hình cấp bách như vậy, hành động cụ thể của Bộ Tài chính là gì?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Để hạn chế những tác động tiêu cực, Bộ Tài chính đã theo dõi sát diễn biến tình hình thực tế, tham khảo kinh nghiệm tại các quốc gia đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, cũng như những khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như WB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đưa ra những đề nghị với Chính phủ, Quốc hội và các ngành liên quan nhằm đạt được những bước tiến quan trọng trong việc chống dịch và khắc phục hậu quả của dịch.

Trong thẩm quyền của mình, bằng hơn 10 thông tư, Bộ Tài chính đã điều chỉnh giảm phí và lệ phí để giảm thiểu khó khăn tới mức tối đa cho doanh nghiệp. Đặc biệt, hầu hết các loại phí liên quan đến thị trường chứng khoán được chúng tôi đưa về 0% cho tới tháng 6-2021, vì thế, trong điều kiện kinh tế thế giới bất ổn như vậy, trong 7 tháng qua, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì được, thậm chí có thời điểm còn tăng điểm. Những diễn biến đó làm yên lòng nhà đầu tư, khiến họ tiếp tục những kế hoạch đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 6-2020, đã có 1.640 công ty niêm yết với giá trị giao dịch vốn hoá trên thị trường đạt hơn 5 triệu tỷ đồng (tương đương 84,36% GDP).

Với vấn đề thuế, Bộ đã kịp thời trình Chính phủ một loạt chính sách miễn giảm thuế XNK trang thiết bị y tế, phụ tùng linh kiện cho sản xuất lắp ráp của các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, dệt may, da giày, chế biến nông lâm thổ sản... Trong thẩm quyền của Quốc hội, chúng tôi đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội miễn giảm 30% thuế bảo vệ môi trường của nhiên liệu bay, 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm, tiếp tục kéo dài miễn thuế đất nông nghiệp tới năm 2025, gia hạn giãn thuế và tiền thuê đất năm nay của các doanh nghiệp và các hộ cá nhân… So với năm 2019, các mức miễn giảm đã đạt khoảng gần 70.000 tỷ đồng.

PV: Thưa Bộ trưởng, có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp ngừng hoạt động thì đương nhiên không có doanh thu, những biện pháp miễn giảm thuế doanh thu, thuế VAT vì thế không thể phát huy tác dụng?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Nhận xét đó chỉ đúng với một bộ phận doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động, tuy nhiên, ngoài những hỗ trợ để giảm chi phí kinh doanh, chúng tôi đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp giảm nghĩa vụ, tăng tích luỹ và cùng với những hỗ trợ có điều kiện của ngành ngân hàng, các doanh nghiệp đã có thể duy trì, đảm bảo dòng tiền.

 Hiệu quả của những giải pháp trên cho thấy, ngay trong khoảng thời gian tháng 6, tháng 7 vừa qua (trước khi dịch tái bùng phát ở TP Đà Nẵng), khi dịch giảm, khi dịch vụ và sản xuất - kinh doanh tái khởi động là có những tín hiệu đáng mừng ngay.

Trước những diễn biến hiện nay, trong thẩm quyền chúng tôi đề nghị Chính phủ duy trì các chính sách miễn giảm thuế, phí tới hết năm 2020, sau đó, theo sát diễn biến của tình hình dịch bệnh để tiếp tục đánh giá, cập nhật và có những chính sách kịp thời hỗ trợ, hoặc là mới hơn, hoặc là mạnh mẽ hơn để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ rà soát, đánh giá một cách toàn diện hệ thống chính sách pháp luật về thuế để sửa đổi một cách toàn diện, phù hợp với yêu cầu hội nhập trong giai đoạn tới.

PV: Vậy còn đối với người dân, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Với người dân, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm, Chính phủ đã có Nghị quyết số 42/NQ-CP gày 9/4/2020 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg gày 24/4/2020, bước đầu chúng ta thực hiện gói 62.000 tỷ đồng, trong đó trực tiếp từ ngân sách là 36.000 tỷ đồng.

Như vậy, bước đầu đã giải quyết được những khó khăn trước mắt, tuy nhiên, để có thể triển khai gói cứu trợ II, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành đưa ra đánh giá toàn diện kết quả thực hiện của gói I và căn cứ vào nguồn lực để tiến hành gói cứu trợ II, tất nhiên là phải cân đối hài hoà giữa việc đảm bảo an sinh xã hội, nhưng vẫn đảm bảo duy trì các mục tiêu quốc phòng - an ninh. Theo tôi được biết, trong tháng 9-2020, Chính phủ sẽ có những đánh giá cụ thể.

PV: Vậy với Gói cứu trợ II, ý kiến của Bộ Tài chính thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm là, xây dựng hệ thống tiêu chí để xác định chính xác đối tượng và căn cứ khả năng để định lượng hỗ trợ.

PV: Thưa Bộ trưởng, tồn tại và vượt qua thời điểm khó khăn bởi đại dịch COVID-19 là kịch bản ngắn hạn, về dài hạn, Bộ Tài chính có kiến nghị Chính phủ chương trình hành động hậu COVID-19 không?            

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Tôi cho rằng đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, của toàn bộ người dân và khối doanh nghiệp.

Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành quan tâm theo dõi sát những diễn biến của dịch bệnh, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia thành công trong khắc chế tác hại của COVID-19 để có thể đưa ra những giải pháp hỗ trợ đúng và chính xác. Trong khi đó, người dân, doanh nghiệp phải năng động, sáng tạo và tận dụng thời cơ, tuyệt đối không ỷ lại vào trợ cấp. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể an toàn vượt qua thời điểm khó khăn do dịch bệnh kéo dài như hiện nay.

Về giải pháp dài hạn, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất - kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội

Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế tài chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định. Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan, thủ tục về chứng từ xuất xứ hàng hoá, mã số hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp…

Trong dài hạn, tôi cho rằng xây dựng các chính sách để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn là một trong những giải pháp trọng điểm. Có thể thấy, những dự án quy mô lớn như: Formosa, Lọc hoá dầu Nghi Sơn, 2 dự án đầu tư của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên… đã làm thay đổi cơ bản cả một vùng đất.

Luật Chứng khoán sửa đổi đã tiếp cận thông lệ quốc tế, nếu tổ chức thực hiện tốt thì cơ hội đón các dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam sẽ rất khả quan. Với Luật Đầu tư 2020, chúng ta đưa ra những ưu đãi thuế giảm sâu hơn nữa, với những dự án ở địa bàn trọng điểm, dự án công nghệ cao được hưởng thuế suất 10% cả đời dự án, miễn 5 năm, giảm 9 năm, tức là mức giảm còn một nửa, thời gian ưu đãi tăng gấp đôi. Tôi cho rằng, với tình chính chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định, những chính sách ưu đãi đó sẽ là hấp lực lớn đối với nhà đầu tư.

Tóm lại, với những thành tích đạt được trong khắc chế dịch COVID-19 và bối cảnh cuộc đại suy thoái toàn cầu, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi cho tới lúc này vẫn đạt được mức tăng trưởng kinh tế dương, kết hợp với những chính sách ưu đãi như đã nói ở trên, nếu tổ chức thực hiện tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể hy vọng vào cơ hội có thể bật lên mạnh mẽ sau khi dịch COVID-19 được khống chế.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Song Thi (Thực hiện)
.
.
.