Không vướng mắc nếu biển số xe được bán đấu giá

Thứ Tư, 26/04/2017, 16:11
Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp tại cuộc họp báo thường kỳ Quý I-2017 của Bộ Tư pháp sáng 26-4. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế về đấu giá biển số xe báo cáo Thủ tướng trong tháng 5-2017.

Tại cuộc họp, người phát ngôn Bộ Tư pháp cũng cho biết, một trong những quan điểm chỉ đạo cơ bản của Luật đấu giá tài sản là quy định thống nhất về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản. Tài sản đấu giá bao gồm tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và tài sản thuộc sở hữu cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp.

Bên cạnh đó, Luật đấu giá tài sản đã có quy định mở theo hướng “các tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá” thì sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật đấu giá tài sản.

Hiện nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đang chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp xem xét, xây dựng cơ chế về đấu giá biển số xe báo cáo Thủ tướng trong tháng 5-2017. Trong phạm vi, nhiệm vụ của mình, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các bộ, ngành trong việc xây dựng, tham gia ý kiến về đề án trên.

Trả lời báo chí về câu hỏi biển số xe có phải là tài sản hay không, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp cho biết, đấu giá biển số xe đẹp đặt ra từ năm 2011 khi xây dựng quy định về đấu giá tài sản.

“Ngay từ lúc đó và đến bây giờ, vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau rằng biển số xe là tài sản hay là công cụ quản lý của nhà nước đối với phương tiện giao thông đường bộ, quản lý trật tự giao thông. Khi quan điểm chưa rõ biển số xe có phải là tài sản hay không thì không thể đưa ra bán đấu giá được” - bà Mai thông tin.

Cùng với đó, theo Điều 80 của Luật Giao thông đường bộ hiện nay quy định cấm mua bán các biển số của phương tiện cơ giới. Vì vậy, việc dự kiến đưa biển số xe đẹp ra bán đấu giá chưa thực hiện được. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Mai cũng khẳng định “Không có gì vướng mắc nếu biển số xe được đưa ra bán đấu giá”.

Lý do bà Mai đưa ra, đó là Luật chỉ quy định trình tự đấu giá tài sản, còn tài sản nào được phép bán đấu giá lại do luật nội dung, chuyên ngành quy định.

Ví dụ như hiện nay cũng chỉ có một vài loại đất được bán, xử lý dưới hình thức đấu giá, còn những loại khác được giao cấp và xử lý bình thường. Trong luật xử lý tài sản nhà nước cũng chỉ quy định một số tài sản được đưa ra bán đấu giá.

Cho nên, trong Luật đấu giá tài sản, việc không có đấu giá biển số xe liệt kê, cũng như không quy định trong nghị định có liên quan cũng không ảnh hưởng gì đến việc đấu giá tài sản này. Nếu sau này như Bộ Công an, Chính phủ có quy định biển số xe đẹp phải bán đấu giá thì sẽ được thực hiện theo trình tự thủ tục của Luật đấu giá tài sản.

Bà Nguyễn Thị Mai cũng chia sẻ thêm, tất cả các tài sản bán đấu giá ở Việt Nam cũng như ở các nước đang biến đổi theo thời gian, tức là hôm nay tài sản này nằm trong danh mục tài sản bán đấu giá, hoặc vài năm nữa lại đưa một số tài sản khác vào danh mục như quyền khai thác cảng biển, quyền khai thác sân bay… thì vẫn sẽ được đưa vào.

“Biển số xe đẹp không phải là tài sản đơn thuần như là một cái ô tô, xe máy mà còn là công cụ quản lý, điều tiết của nhà nước để quản lý trật tự an ninh đô thị. Cho nên, khi tính đến chuyện có trao đấu giá tất cả các quyền này hay không, và cho người trúng đấu giá được sở hữu toàn bộ 3 quyền là chiếm hữu, sử dụng và định đoạt hay không thì cần phải cân nhắc giữa lợi ích của việc thu được từ bán đấu giá biển số xe với lợi ích của việc quản lý trật tự an ninh đô thị” - Bà Nguyễn Thị Mai nêu quan điểm.

Nguyễn Hương-Trung Hiếu
.
.
.