Không khoán xe công trong Công an, Quân đội

Thứ Tư, 11/11/2015, 20:29
Lần đầu tiên nội dung khoán xe công cho một số chức danh lãnh đạo được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội (thông qua sáng 11/11).

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc khoán xe công cho một số chức danh là cần thiết để chống lãng phí.

PV: Cụ thể sẽ khoán xe công đối với các chức danh lãnh đạo như thế nào, thưa ông? 

Chỉ thực hiện khoán xe công cho lãnh đạo, là những người có hệ số lương từ 1,3 trở xuống, hoặc là 1,25 có thể sẽ được tính đến. Trong lộ trình thực hiện sắp tới sẽ từng bước tính toán giữa hệ số 1,25 và 1,3. Con số này không nhiều, một tỉnh chỉ có 3 chức danh hoặc một bộ chỉ có một số đồng chí là thứ trưởng và tổng cục trưởng loại 1 thì mới được đi xe công. Tôi cho rằng việc làm nghiêm khoán xe công này để góp phần thực hành tiết kiệm, góp phần sử dụng ngân sách hợp lý.

Ông Phùng Quốc Hiển.

PV: Có bộ từng kêu gọi lãnh đạo, công chức đi xe bus để tiết giảm chi tiêu và chống ùn tắc giao thông, ông thấy sao? 

Cần phải hiểu câu chuyện tại sao phải có xe công? Xe công để phục vụ những chức danh khi làm việc có khối lượng công việc lớn cần phải sử dụng, đảm bảo an toàn. Số lượng đó không nhiều nhưng khi đặt ra về chính sách thì phải thực hiện. Còn nói lãnh đạo, nói thứ trưởng mà đi xe ôm hay taxi, xe bus đến công sở thì trông cũng không được đẹp. Do đó, ta nên quy chuẩn tiêu chuẩn xe công, khoán là khoán để mọi người được tuân thủ.

PV: Vậy có khoán trong Công an, Quân đội không thưa ông?

Với những loại xe công mang tính phục vụ trong lực lượng Công an, Quân đội thì không thể thực hiện cơ chế khoán vì phục vụ nhiệm vụ chung.

Những loại xe công mang tính phục vụ trong lực lượng Công an, Quân đội thì không thể thực hiện cơ chế khoán vì phục vụ nhiệm vụ chung.

PV: Vấn đề khoán đã đặt ra nhưng Quốc hội sẽ giám sát thế nào để không bị “luồn lách”?

Sẽ phải có sự kiểm soát, Chính phủ sẽ thực hiện vì Chính phủ đã có đề án rồi. Lần này có Nghị quyết của Quốc hội thì Chính phủ sẽ tích cực thực hiện. Trước đây chúng ta bàn nhưng chưa thực hiện song lần này với Nghị quyết Quốc hội thì phải thực hiện.

PV: Đại biểu nói nhiều về lãng phí trong chi thường xuyên, ông nghĩ sao?

Tôi cho rằng, trong điều kiện hiện nay Quốc hội và Chính phủ đều nhận thấy phải cơ cấu lại thu chi, đặc biệt trong chi thường xuyên. Chi thường xuyên vừa qua tăng nhanh, chủ yếu an sinh xã hội và chính sách xã hội. Như vừa rồi trong Nghị quyết cũng đã thông qua việc tăng mức lương cơ sở từ 1.150 nghìn đồng lên 1.210 nghìn đồng cho cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang. Hoặc thực hiện chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo khi thay đổi chuẩn nghèo đa chiều, nâng mức hỗ trợ từ 700 nghìn đồng lên 900 nghìn đồng, chính sách cho người có công, để đảm bảo làm sao các đối tượng này có mức sống trung bình...

Chi thường xuyên trong ngân sách đang chi nhiều để thực hiện những công tác này. Đối với chi quản lý Nhà nước thì ta phải tăng cường tiết kiệm chi. Ngoài chuyện về lương còn có chuyện quan trọng là muốn được tăng lương, bố trí lương thì bản thân từng cơ quan đơn vị phải bố trí lại các khoản chi khác. Những khoản chi lãng phí không cần thiết như khánh tiết, hội nghị, lễ tân, công tác nước ngoài… phải hạn chế, tiết kiệm.

Nguyễn Thành (ghi)
.
.
.