Không còn cấp trung gian, Giám đốc Công an địa phương hàm Thiếu tướng là có lý

Thứ Năm, 07/06/2018, 19:08
Đó là quan điểm của đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khi thảo luận tại tổ về dự thảo Luật CAND (sửa đổi), chiều nay, 7-6.

ĐBQH tỉnh Quảng Ninh bày tỏ tán thành quy định cấp bậc hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an một số tỉnh, thành phố theo hướng chọn những địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự, song phải có tiêu chí và phải tránh không để số lượng tướng tăng lên so với Luật cũ. Phải khống chế trong tổng số cấp tướng mà lực lượng Công an được phong cho chặt chẽ, phù hợp với Luật hiện hành.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính thảo luận tại tổ

“Còn tại sao phải là Thiếu tướng? Tôi tán thành với dự thảo luật và giải trình của Ban soạn thảo. Vì đối với Quân đội ở dưới có cấp trung gian là Quân khu, Quân đoàn, còn Công an thì không. Giám đốc Công an ở một tỉnh, một địa phương phải quản lý quân số đông, tính chất công việc rất phức tạp, đặc biệt là các địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa. Sự khác nhau như vậy nên phong Thiếu tướng với Giám đốc Công an mà không phong tướng với Chỉ huy trưởng Quân sự cũng là có lý, hoàn toàn có thể giải thích được.” – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phân tích.

Thảo luận tại tổ 5 gồm các tỉnh Hưng Yên, Quảng Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Thượng tướng Lê Quý Vương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, quy định về cấp bậc hàm cấp tướng trong dự thảo Luật CAND (sửa đổi) là rất quan trọng và được nhiều ĐBQH quan tâm nhưng hiện có những điểm không phù hợp. 

“Ở Hà Nội hiện Giám đốc Công an TP. được trần quân hàm Trung tướng, 3 Phó Giám đốc Thiếu tướng; Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội là Thiếu tướng. thế nhưng ở Hải Phòng – một thành phố rất phức tạp về an ninh trật tự thì Giám đốc Công an chỉ là Đại tá. Tương tự, ở Đà Nẵng cũng vậy, hiện Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng chỉ là Đại tá, nhưng đồng chí Giám đốc Bệnh viện 199 của Bộ Công an đặt tại thành phố này lại là Thiếu tướng” – Thứ trưởng Lê Quý Vương lấy ví dụ.

Theo Thứ trưởng, Hà Nội, TP. HCM thì rõ rồi, nhưng còn một số địa bàn khác như Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, thêm vài tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh…diện tích rộng, quân số đông, tình hình an ninh trật tự phức tạp… mà Giám đốc Công an cũng chỉ Đại tá.

“Về việc bố trí cấp bậc hàm Thiếu tướng với Giám đốc Công an một số tỉnh, thành phố, một số ĐBQH đề nghị bố trí làm sao để tương quan, tương thích với quân đội. Quan điểm của tôi là rất khó. Công an và Quân đội cùng là lực lượng vũ trang nhưng mô hình tổ chức khác nhau” – Thứ trưởng Bộ Công an nêu quan điểm.

Theo Thứ trưởng, lực lượng Công an tới đây chỉ còn có cấp Cục, nhưng Quân đội có Bộ tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, các tổng cục khác nữa… Nếu so sánh về tính chất, bố trí lực lượng thì lực lượng Công an bố trí theo cấp hành chính là chủ yếu và bố trí theo lĩnh vực. Còn Quân đội bố trí lực lượng theo hình thức tác chiến khu vực, nên hình thành các quân khu, quân đoàn.

Thứ trưởng Lê Quý Vương thảo luận tại tổ

“Chúng tôi cũng chỉ đặt vấn đề phong trần cấp bậc hàm Thiếu tướng cho Giám đốc Công an một số tỉnh loại 1 theo tiêu chí về an ninh trật tự. Dự kiến chỉ khoảng hơn chục tỉnh, thành chứ không phải nhiều. Việc đề xuất này cũng không làm tăng thêm số lượng cấp tướng mà Luật CAND 2014 đã quy định, tính toán là không vượt hơn và hoàn toàn tương quan”, Thứ trưởng Lê Quý Vương nói.

Cũng theo Thứ trưởng, việc đặt vấn đề như vậy bởi trách nhiệm của Giám đốc Công an các tỉnh rất nặng nề, xảy ra bất cứ một vấn đề gì liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn thì Giám đốc Công an tỉnh đó phải chịu trách nhiệm trước Bộ và Tỉnh ủy. “Dù Bộ có đưa quân xuống hỗ trợ địa phương thì toàn quyền chỉ huy vẫn thuộc về Giám đốc Công an địa phương. Vai trò, vị trí của Giám đốc Công an địa phương rất quan trọng” – Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh thêm.

Cũng cho ý kiến về cấp bậc hàm cấp tướng, ĐBQH Trần Văn Tuý (Bắc Ninh) đề nghị nên tính toán có một cái khung hợp lý, sau đó dành quyền cho ngành Công an chủ động bố trí. “Không sợ tăng số lượng tướng vì đầu mối giảm từ hơn 120 xuống còn 60 rồi. Luật lần trước xây dựng ĐBQH băn khoăn dư luận cho rằng nhiều tướng quá, nhưng lần này tinh giảm bộ máy thì không sợ” – đại biểu nói.

Theo ông, có thể quy định trần bao nhiêu tướng, còn lại giao quyền cho Bộ trưởng Bộ Công an chủ động bố trí. “Còn nếu quy định cứng chỗ này nên tướng, chỗ kia không thì khi địa bàn phức tạp hơn cần tướng lại phải xin ý kiến thì không kịp…”, ông Tuý nói thêm.

ĐBQH Lê Tấn Tới (Bạc Liêu) cho rằng, việc quy định Giám đốc Công an tỉnh trần cấp bậc hàm Đại tá sẽ xảy ra bất cập khi luân chuyển cán bộ. Chẳng hạn, Cục trưởng là Thiếu tướng, khi luân chuyển về tỉnh lại “lột cầu vai xuống”? Ông đề nghị quy định trần cấp bậc hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an 63 tỉnh, thành chứ không riêng gì các tỉnh quy định như trong dự thảo Luật.

Đồng quan điểm, ĐBQH Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) nêu thực tế: “Có những tỉnh nhỏ cũng có phức tạp về an ninh trật tự và hình thành điểm “nóng”. Như Bắc Ninh là tỉnh nhỏ nhưng có nhiều khu công nghiệp, công nhân đến cư trú, dân số cơ học đông, nhiều phức tạp xảy ra…”.

Bà đề nghị nên giao thẩm quyền cho Bộ Công an quyết định và không chỉ những tỉnh loại 1 mà những tỉnh phức tạp về an ninh trật tự thì Giám đốc Công an tỉnh cũng nên có trần cấp bậc hàm Thiếu tướng.


An Quỳnh
.
.
.