Khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao quy mô 3.000 tỷ đồng

Thứ Sáu, 24/02/2017, 22:40
Sáng 24/2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã phát lệnh khởi công Dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao tại tỉnh Thái Bình.

Tham dự buổi lễ có Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng đông đảo lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thái Bình.. Tham dự buổi lễ còn có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hy Lạp tại Việt Nam và Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Đây là dự án nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn TH tại Thái Bình có quy mô đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, quy mô sản xuất trên 3.000 ha. Về sản xuất, dự án sẽ tập trung áp dụng công nghệ mới nhất trong chọn tạo giống rau quả, giống lúa, chè và dược liệu chất lượng cao.

Trước mắt Tập đoàn TH thực hiện thí điểm trên 30 ha tại huyện Vũ Thư để trồng rau sạch, gạo sạch theo chuẩn Global GAP và tiếp theo là tiêu chuẩn organic (hữu cơ). Với các sản phẩm chủ lực, Tập đoàn TH sẽ xây dựng nhà máy chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Lễ khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn TH tại Thái Bình mở đầu một loạt dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn ở khu vực phía bắc. Khu nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Bình sẽ là điểm mẫu, là nơi nghiên cứu hoàn thiện mô hình, đào tạo, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, trang trại và cho hộ nông dân sản xuất nông sản mang thương hiệu Việt Nam đủ điều kiện sánh vai với các thương hiệu thế giới.

Trong dài hạn, Tập đoàn TH sẽ phối hợp với chuyên gia của Viện Nông nghiệp hữu cơ, Hiệp hội Nông nghiệp công nghệ cao, cùng với các chuyên gia quốc tế (Mỹ, Hà Lan, Israel, New Zealand…) nghiên cứu triển khai dự án theo 10 nhóm sản phẩm như sữa và các sản phẩm từ sữa, các cây dược liệu quý hiếm Việt Nam, chè và các sản phẩm từ chè theo các phong cách cung đình Việt Nam và Nhật Bản, các giống gạo có chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng cao, nhãn lồng Hưng Yên…

Tại miền Bắc, Thái Bình cũng là địa phương thực hiện khá hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đến nay, tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa lớn, phát huy thế mạnh của ngành nông nghiệp trong nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và phát triển làng nghề truyền thống. Toàn tỉnh đã có 1 huyện và 199/263 xã (75/66%) đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2016, nhờ phát triển nông nghiệp và các làng nghề đã đóng góp khá lớn vào thu ngân sách trên địa bàn lần đầu tiên đạt gần 11.000 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2015.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng Thái Bình phải trở thành trung tâm về nông nghiệp công nghệ cao của cả nước. Theo Phó Thủ tướng, mô hình kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ đã bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất theo mô hình mới có quy mô lớn mà trong đó doanh nghiệp phải giữ vai trò là động lực cho sự phát triển nhằm huy động các nguồn lực đầu tư như vốn, nhân lực, khoa học công nghệ, cũng như xử lý các mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ. Khi đó, hộ gia đình là những thành viên để tham gia vào quá trình sản xuất của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đồng thời phải đẩy mạnh các hình thức kinh tế hợp tác xã để giữ vai trò kết nối các hộ nông dân từ cung ứng đầu vào, tổ chức sản xuất cho đến tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã có chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh nhiều hộ nông dân, chủ trang trại đam mê, tâm huyết, có kinh nghiệm để đầu tư phát triển sản xuất, một số doanh nghiệp lớn đã ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị lớn, có chất lượng cao, phục vụ cho nhu cầu thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. “Việc Thái Bình khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền các cấp, đồng thời cho thấy sự hưởng ứng, vào cuộc hiệu quả của doanh nghiệp và người dân để đầu tư, đổi mới sản xuất. Thái Bình là địa phương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, có nhiều kinh nghiệm, điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Do đó, Thái Bình phải trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao không chỉ ở khu vực đồng bằng sông Hồng mà còn của cả nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tập đoàn TH chú trọng đào tạo, ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương đặc biệt là những hộ dân trong vùng dự án.


Đánh giá cao việc Tập đoàn TH đầu tư quy mô lớn vào nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Bình, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là tiền đề quan trọng để Thái Bình phát huy kinh nghiệm, truyền thống sẵn có, vươn lên trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham quan vị trí xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Bình

Đối với Tập đoàn TH, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị phát huy những kinh nghiệm, thành công cũng như những bài học trong quá trình thực hiện các dự án nông nghiệp công nghệ cao khác để phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại quê hương 5 tấn Thái Bình, từ đó nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong khu vực và trong cả nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu tập đoàn này chú trọng đào tạo, ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương đặc biệt là những hộ dân trong vùng dự án đồng thời tích cực thực hiện tốt các hoạt động xã hội, hỗ trợ nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục cùng với các bộ ngành tích cực hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn để phát triển nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời kỳ mới, tạo ra môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư phát triển. 
NY
.
.
.