Ứng xử với nông nghiệp công nghệ cao như công nghiệp

Thứ Năm, 12/01/2017, 06:57
Bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực nông nghiệp sạch, tại hội nghị về công nghiệp nông nghiệp do DAA tổ chức vào trung tuần tháng 12-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nhắc đến nông nghiệp là nói đến người nông dân và quyền lợi của người tiêu dùng. Nông nghiệp vẫn là thế mạnh và liên quan đến đời sống đại đa số người nông dân.

Theo ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tổ chức lại sản xuất được xem là động lực để thúc đẩy quá trình thực hiện tái cơ cấu. Ngành trồng trọt sẽ phát triển các hình thức tổ chức của nông dân như tổ hợp tác, HTX, các hiệp hội… để tổ chức lại sản xuất cho nông dân nhằm tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung chất lượng cao. Cùng với đó, cần tăng cường liên kết giữa nông dân, các tổ chức của nông dân và DN để hợp tác đầu tư sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

Bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực nông nghiệp sạch, tại hội nghị về công nghiệp nông nghiệp do DAA tổ chức vào trung tuần tháng 12-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nhắc đến nông nghiệp là nói đến người nông dân và quyền lợi của người tiêu dùng. Nông nghiệp vẫn là thế mạnh và liên quan đến đời sống đại đa số người nông dân.

Việc xây dựng được nền nông nghiệp công nghệ cao kỳ vọng sẽ mở ra chương mới cho sản xuất nông nghiệp trong nước. Nhưng muốn làm công nghiệp trong nông nghiệp thành công thì phải đưa DN về nông thôn. Tuy số lượng DN làm nông nghiệp còn ít, nhưng Thủ tướng tin rằng sẽ có nhiều DN làm nông nghiệp xuất hiện ở nước ta và đây chính là lực đẩy quan trọng để xây dựng nền sản xuất công nghiệp trong nông nghiệp thành công.

Đầu tư phát triển nông nghiệp sạch. Ảnh mang tính chất minh họa.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, 30 năm qua từ một đất nước thiếu ăn, chúng ta đã sản xuất đủ lương thực thực phẩm cho người dân và dành một phần xuất khẩu với doanh thu 30 tỷ USD. Nhưng ngành nông nghiệp trong nước vẫn dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ là chính, cả năng suất lao động lẫn thu nhập đều thấp, sản xuất bấp bênh.

Gần đây, sản xuất nông nghiệp còn chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, điều này dẫn đến không chỉ không gian sản xuất bị thu hẹp mà kiến trúc sản xuất cũng bị thay đổi. Cơ hội xuất nông sản trong nước càng giảm khi chấp nhận cho nông sản thế giới tràn vào. Do đó phải tập trung để tái cấu trúc nông nghiệp theo hướng xây dựng hạt nhân là DN, doanh nhân và HTX, chỉ có như vậy mới hình thành nông nghiệp tập trung, hàng nông sản mới ra thế giới được.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu đã được biểu hiện bằng hành động; đã hình thành những DN đầu tàu để xây dựng một nền công nghiệp nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, muốn đầu tư vào nông nghiệp, DN phải được tiếp cận với đất đai, chính quyền không vào cuộc tự DN sẽ không làm được. Muốn làm nông nghiệp công nghệ cao, chính quyền phải đứng ra tích tụ đất đai. Khó khăn nữa của DN nông nghiệp là tiếp cận vốn tín dụng cũng cần được giải quyết. DN lớn không làm nông nghiệp, còn DN nhỏ làm nông nghiệp vay vốn cực kỳ khó. Phải đầu tư một lượng vốn khá lớn cho công nghệ cao, nhưng lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu, tỷ lệ rủi ro cao nên DN còn e ngại.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Chủ tịch DAA chia sẻ thêm, DN làm nông nghiệp thiệt thòi, không có sản phẩm cụ thể để cầm cố nên không cách nào để có vốn. Vì vậy để hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, DAA đề nghị cho thành lập mô hình mới về khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao để tạo đột phá và sức lan tỏa. Việc này cũng sẽ giúp ứng xử với nông nghiệp như công nghiệp và có thể cạnh tranh toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đã xác định phải nỗ lực đưa đất nước vươn lên đứng trong nhóm các quốc gia phát triển nông nghiệp hàng đầu thế giới, phấn đấu sớm đưa Việt Nam thành quốc gia hàng đầu về sản phẩm nông nghiệp. Để làm được điều này, Thủ tướng khẳng định chính phủ sẽ tạo thuận lợi nhất cho cộng đồng DN nói chung, DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Bất cứ nhà đầu tư nào, địa phương nào, nông dân nào làm được công nghệ cao sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ gói kích cầu nông nghiệp công nghệ cao 50 ngàn tỷ với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất và từ những ngân hàng thương mại tham gia.

Theo Thủ tướng, không phải cứ địa phương nào được quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao nhà đầu tư mới được ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực này mà cần phải đảm bảo mọi nông dân, mọi quy mô sản xuất đều được khuyến khích đầu tư vào công nghệ cao. Để đạt mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD, Thủ tướng đồng ý cho phép mở rộng diện tích tôm và đề nghị Bộ NN&PTNT rà soát diện tích đất trồng lúa không hiệu quả để chuyển sang nuôi tôm.

Theo Thủ tướng, trước mắt cần tăng cường liên kết giữa 4 nhà xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, phải có giải pháp để nâng cao chất lượng HTX dịch vụ nông nghiệp. Nông nghiệp công nghệ cao không chỉ áp dụng công nghệ cứng là máy móc mà cần phải tranh thủ công nghệ mềm, công nghệ thông tin, mạng xã hội và các phương thức kết nối phi truyền thống. Phần cứng và phần mềm này kết hợp được trong DN nhỏ, hộ nông nghiệp là rất quan trọng.

Trước mắt, Bộ NN&PTNT cần tiếp tục hoàn thiện quy hoạch công nghệ cao theo hướng mở, hiệu quả và bền vững. Để sản xuất lớn cần tiếp tục hoàn thiện về đất đai theo hướng nới hạn điền để báo cáo với Quốc hội. Tính toán cơ chế ưu tiên, ưu đãi đặc biệt cho những DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở khu vực biên giới, vùng sâu vùng xa.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại; phát triển cơ khí và khoa học trong nước để giảm giá thành đầu tư cho thiết bị công nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Khuyến khích các siêu thị tiêu thụ sản phẩm công nghệ cao và xây dựng các rào cản kỹ thuật về nhập khẩu nông sản. Bộ Y tế chịu trách nhiệm kiểm tra xác định nông sản sạch đến người dân. Các tỉnh, thành phố tạo mọi điều kiện, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao để thu hút các nhà khoa học, DN…

Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) – ông Hoàng Thanh Vân:

Đến thời điểm này, chúng ta có nhiều mô hình chăn nuôi an toàn, thậm chí là các mô hình chăn nuôi hữu cơ. Việc người dân không tiếp cận được với các sản phẩm này một phần là do lỗi của các cơ quan quản lý. Do đó ngành chăn nuôi sẽ đưa lên mạng những quy trình mới, những mô hình VietGap mới.

Đức Thắng
.
.
.